Tỷ lệ đô thị hoá đạt hơn 42%
Báo cáo tóm tắt tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chủ tịch UBND TP Việt Trì (Phú Thọ), Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam - cho biết, đến hết tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V với tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 42,7%. Trong đó vai trò, đóng góp của 125 đô thị thành viên của Hiệp hội các đô thị rất nổi bật.
Toàn cảnh Hội nghị |
Thời gian qua, Hiệp hội đã tích cực, chủ động hoàn thành xuất sắc kế hoạch đặt ra. Trong đó thường xuyên trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong quá trình phát triển cũng như tích cực tham gia phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách…Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại cần sớm khắc phục như phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định…
Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam trình bày báo cáo. |
“Hội nghị là dịp để các đô thị trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, cùng nhìn lại những tồn tại, hạn chế để từ đó có giải pháp cho thời gian tới”, Chủ tịch Hiệp hội các đô thị Việt Nam nói.
Phát biểu tại sự kiện, ông Bùi Hồng Minh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn rất quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị xác định phát triển đô thị là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW (Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022) và Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 143/QĐ-BXD ngày 8/3/2023 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung tổ chức thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hoàn thành xây dựng các quy hoạch ngành như Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội các đô thị Việt Nam, nhất là tham gia đóng góp ý kiến, phản biện vào các dự thảo văn bản luật, các đồ án, đề án thẩm định theo yêu cầu của các cơ quan Bộ, ngành về lĩnh vực quản lý phát triển đô thị.
Trong quản lý phát triển đô thị, Hiệp hội cũng đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả để trao đổi kinh nghiệm; tổ chức phong trào thi đua để thúc đẩy đô thị phát triển. Đặc biệt, những năm gần đây, Hiệp hội đã mở rộng hợp tác quốc tế với các Hiệp hội chính quyền đô thị quốc tế, với các tổ chức quốc tế và đô thị các nước để học tập và áp dụng trong quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam. Năm 2023 Hiệp hội các đô thị Việt Nam đã được các đô thị quốc tế tín nhiệm bầu vào Hội đồng và Ban Điều hành của Liên minh các thành phố và các chính quyền địa phương khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UCLG ASPAC) vùng Đông Nam Á, nhiệm kỳ 2023-2025.
Động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống đô thị trên cả nước có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; thực sự trở thành hạt nhân tăng trưởng, động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong mỗi địa phương, mỗi vùng miền và cả nước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết hoàn thiện thể chế phát triển đô thị là ưu tiên hàng đầu. |
“Hoàn thiện thể chế trong xây dựng và phát triển đô thị hiện được Bộ Xây dựng ưu tiên hàng đầu. Năm 2024, Quốc hội đã thông qua 2 Luật quan trọng là sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Năm 2025, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, hồ sơ đề nghị xây dựng 2 Luật về quản lý phát triển đô thị và cấp thoát nước”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Năm 2024, Bộ Xây dựng xác định công tác quản lý phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai mạnh mẽ, trong đó có công tác phân loại đô thị, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị và phát triển đô thị.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng mong muốn Hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò là mái nhà chung của các đô thị, là cầu nối cho đô thị với nguồn lực và tri thức, kinh nghiệm ở trong và ngoài nước thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, phản biện xã hội, tư vấn chính sách, xây dựng phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu…;
Cùng với đó là tích cực phản ánh kịp thời với các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực thi pháp luật, kiến nghị điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý đô thị và mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.