Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội
Ngày 07/01/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất và thị trường, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, dành 70% hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn; và dành 30% hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), tác động lớn nhất của chính sách này là đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị có nhà ở, và đã góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại kể từ cuối năm 2013 cho đến nay.
Sau 03 năm thực hiện chính sách này, đến hết tháng 11/2016, tại TPHCM, đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền vay là 7.032,3 tỷ đồng, trong đó có 10.308 cá nhân vay 5.575, 4 tỷ đồng và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay 1.456,8 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành Xây dựng kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cấu trúc thị trường bất động sản, gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, khắc phục lệch pha cung - cầu các sản phẩm bất động sản; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người có công, người nghèo, người có thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng tăng cường quản lý trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, theo đúng quy hoạch, bám sát nhu cầu trong nước và xuất khẩu; rà soát quy hoạch phát triển xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu khác; nghiên cứu, phát triển vật liệu xây dựng mới. Lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, có kinh nghiệm tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí.
Ngành Xây dựng cũng cần tập trung hơn nữa trong việc thực hiện tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.
Phó Thủ tướng yêu cầu, đối với các doanh nghiệp ngành Xây dựng, phải hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong năm 2017; đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao năng lực và sức cạnh tranh; các doanh nghiệp chủ động cơ cấu lại sản phẩm, nguồn vốn, tăng cường quản trị doanh nghiệp, tìm kiếm, mở rộng thị trường, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Vẫn được vay lãi suất 5%/năm mua nhà ở xã hội
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TPHCM về việc hỗ trợ người mua nhà, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có phản hồi giải thích rõ về các cơ chế tài chính đang áp dụng cho nhà ở giá thấp.
Theo công văn mới đây từ cơ quan quản lý thị trường tiền tệ - ngân hàng, thời gian giải ngân của các ngân hàng thương mại từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để cho vay hỗ trợ nhà ở thực hiện tối đa đến hết năm 2016.
Đối tượng được hưởng chính sách này là cá nhân vay vốn ưu đãi lãi suất từ gói 30.000 tỷ đồng, có hợp đồng được ký trước ngày 31/3/2016, và chỉ nhằm mục đích mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo lại chính nhà ở của mình.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thực ra đến hết năm 2016, chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đã giải ngân đến 95% số tiền cam kết. Số còn lại các ngân hàng thương mại chưa giải ngân hết là do người vay không còn nhu cầu giải ngân nữa hoặc do dự án nhà ở bị chậm tiến độ.
Phần giải ngân còn lại sau ngày 31/12/2016 sẽ được lấy từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại. Lãi suất của phần vốn này tùy theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sau gói 30.000 tỷ đồng, vẫn có cơ chế tài chính khác cho nhà ở xã hội. Theo đó, không chỉ ngân hàng chính sách xã hội mà 4 ngân hàng thương mại lớn cũng đã được chỉ định tham gia cho vay ưu đãi (BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank).
Cụ thể, lãi suất cho vay với người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng hoặc swra chữa nhà ở trong 2 năm 2016 – 2017 là 5%/năm, tức cũng bằng đúng với lãi suất mà đa số người vay tiền từ gói 30.000 tỷ đồng đang trả cho ngân hàng.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao bố trí nguồn vốn cấp cho ngân hàng chính sách để cho vay nhà ở xã hội. Cả năm ngân hàng tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội trên đây đều sẽ được ngân sách cấp bù chênh lệch lãi suất.
Để góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Phó Thủ tướng giao ngành Xây dựng cần tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước của Ngành. Nghiên cứu xây dựng và trình Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Kiến trúc. Tiếp thu rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật bảo đảm thống nhất, đồng bộ để quản lý, kiểm soát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch được duyệt; việc điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo tính khoa học, được kiểm soát chặt chẽ, tránh tùy tiện, duy ý chí.
Đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý, kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng (quy hoạch, quản lý dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu, khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng) để chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, tập trung quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan, các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nghiên cứu, thực hiện đề xuất các giải pháp giảm áp lực dân số tại khu vực nội thành; kiểm soát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và thiết kế đô thị.