Công nhân vất vả tìm nhà ở
Tại xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh), nơi có KCN VSIP Quảng Ngãi và KCN Tịnh Phong với nhiều ngàn lao động, vợ chồng anh Đinh Văn Theo (quê xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) đến đây làm việc đã nhiều năm. Sau giờ làm, vợ chồng về căn phòng trọ 16m2 lợp mái tôn, mùa mưa ẩm dột, mùa nắng nóng như thiêu đốt. Năm năm làm công nhân, vợ chồng anh đã chuyển trọ 3 lần.
Vậy nhưng, số lượng nhà trọ do người địa phương xây dựng để cho thuê không thể đáp ứng đủ nhu cầu, nên nhiều công nhân chọn cách sáng đi, chiều về.
Anh Theo cũng như nhiều công nhân tại đây cho biết, với mức thu nhập khoảng 7,5 triệu đồng/tháng/người, chỉ đủ trả tiền thuê trọ, nuôi con, chắt chiu mới đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Đồng lương không cao, nhưng mỗi năm giá thuê phòng và các dịch vụ khác lại tăng, khiến công nhân ngày càng gặp khó. Vợ chồng anh và những công nhân khác đều mong mỏi địa phương có nhà ở xã hội (NƠXH) để họ có cơ hội thoát khỏi những phòng trọ tồi tàn.
Theo một thống kê sơ bộ, Khu kinh tế Dung Quất và các KCN tại tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 240 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với khoảng 69.000 lao động.
Thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến 2020, tầm nhìn 2030, Quảng Ngãi đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng khó khăn về nhà ở, trong đó có công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Cụ thể, tỉnh từng đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có hơn 11.000 căn NƠXH. Thực tế, đến 2024 địa phương này vẫn chưa có một dự án NƠXH nào được đầu tư.
Hiện tại, Quảng Ngãi chỉ có 6 dự án nhà ở công nhân nằm trong Khu kinh tế Dung Quất với 1.160 căn, đều do các DN tự bỏ vốn đầu tư để bố trí chỗ ở cho khoảng 4.500 công nhân.
Lý giải của Sở Xây dựng
Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, việc chậm đầu tư xây dựng NƠXH có nhiều nguyên nhân. Về khách quan, việc đầu tư NƠXH không mang đến lợi nhuận cao như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại, đất nền thương mại (quy định pháp luật khống chế tiêu chuẩn thiết kế, loại nhà ở, mức trần giá bán, cho thuê, cho thuê mua, lợi nhuận, đối tượng thụ hưởng). Chính sách ưu đãi về NƠXH hiện chủ yếu tập trung vào việc giảm giá thành nên đối tượng thụ hưởng chính là người mua, thuê, thuê mua. Vì vậy, theo quy luật kinh tế thị trường, việc thu hút các nhà đầu tư tự nguyện bỏ vốn đầu tư NƠXH là rất khó khăn.
Về nguyên nhân chủ quan, quy trình thủ tục đầu tư… với dự án NƠXH giữa pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở chưa có sự thống nhất, dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện. Còn có lý do NƠXH nhưng thực hiện một số thủ tục tương tự nhà ở thương mại, khiến tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, không thu hút các nhà đầu tư. Nguồn vốn vay hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án NƠXH chưa triển khai được.
Do đó, Sở Xây dựng cho rằng, cần thiết nghiên cứu cơ chế, ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở KCN, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại KCN. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong KCN. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đề xuất tỉnh kiến nghị xem xét, điều chỉnh Điều 6 Nghị định 35/2023/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án NƠXH được dành quỹ đất trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, cho thuê, thuê mua NƠXH.
Quảng Ngãi đề ra chỉ tiêu đến 2030 hoàn thành 6.300 căn (nhà ở thu nhập thấp và nhà ở công nhân), trong đó giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 1.500 căn, giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành 4.800 căn. Để thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trên địa bàn, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh công bố công khai danh mục vị trí các dự án NƠXH cần thu hút đầu tư để các DN quan tâm, tham gia nghiên cứu; đề xuất đầu tư dự án với 20 vị trí, với diện tích khoảng hơn 330ha để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án NƠXH.
Sở Xây dựng cũng cho rằng, trong số 3 hình thức đầu tư xây dựng NƠXH hiện nay, hình thức DN, Hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng là phù hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi.