HoREA cho rằng, việc ban hành Luật Đất đai (mới) thích hợp nhất là vào thời điểm sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII quyết định đường lối và chiến lược phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 10 năm tiếp theo với tầm nhìn đến 2045.
Trước mắt, Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trước hết là các Nghị định 43/2014/NĐ-CP, 47/2014/NĐ-CP, 01/2017/NĐ-CP, 44/2014/NĐ-CP, 104/2014/NĐ-CP và ban hành “Khung giá đất” hợp lý cho giai đoạn 2019-2024, để tháo gỡ, khai thông các vướng mắc, khó khăn, điểm nghẽn hiện nay của nền kinh tế và thị trường bất động sản; kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, công bằng; đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định Quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp”, để có căn cứ pháp luật thực hiện chính sách tam nông của Đảng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của nông dân và người dân sống ở nông thôn.
Tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều. Trong đó bổ sung chức năng cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho “Văn phòng đăng ký đất đai”.
Như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ được giảm bớt thời gian ký “sổ đỏ”, nhất là cho những địa phương có khối lượng công việc lớn như TP HCM, Hà Nội, để các Sở tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, kể cả việc giám sát công tác cấp “sổ đỏ” của Văn phòng đăng ký đất đai.
Hiệp hội cũng đề nghị bổ sung chức năng cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” (hoặc một đơn vị sự nghiệp của ngành TN&MT) được phép cung cấp dịch vụ công theo yêu cầu (nhu cầu) của người sử dụng đất, người có tài sản gắn liền với đất. HoREA cho rằng do nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp hoặc không am hiểu, hoặc không có thời gian đi làm thủ tục hành chính, nên có nhu cầu với dịch vụ công này.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo đánh giá kết quả thực hiện thí điểm thành lập “Tổng Công ty cổ phần đền bù giải tỏa” (doanh nghiệp tư nhân) để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, tạo quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển, hoặc cho doanh nghiệp này được khai thác kinh doanh (thời gian thí điểm 5 năm).
HoREA cho rằng việc “Tổ chức phát triển quỹ đất” thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo lập quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển; sau đó, Nhà nước tổ chức đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư… là phương thức tốt nhất để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bảo đảm minh bạch, công bằng, góp phần hạn chế việc phát sinh khiếu kiện nhưng hơn 15 năm qua chủ trương đúng đắn này vẫn chưa thực hiện được, có nguyên nhân trực tiếp là chưa có quy định về cấp vốn, hoặc tạm cấp vốn ban đầu cho “Tổ chức phát triển quỹ đất”. Do vậy, HoREA đề nghị bổ sung quy định về cấp vốn, hoặc tạm cấp vốn ban đầu cho “Tổ chức phát triển quỹ đất”.
Với Nghị định 44/2014/NĐ-CP, HoREA cho rằng quy định 7 vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất chưa thật phù hợp với đặc điểm của các địa phương và đảm bảo tính tương đồng của vùng. Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung xây dựng khung giá đất thành 12 vùng, gồm: Vùng miền núi phía Đông Bắc; Vùng miền núi phía Tây Bắc; Vùng trung du phía Bắc; Vùng Đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung bộ; Vùng duyên hải Trung Trung bộ; Vùng duyên hải Nam Trung bộ; Vùng Bắc Tây nguyên; Vùng Nam Tây nguyên; Vùng Đông Nam bộ; Vùng Đồng bằng Bắc sông Hậu; Vùng Đồng bằng Nam sông Hậu.
Hiện quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP cho phép cấp tỉnh được quy định mức giá đất của Bảng giá đất, “cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất”, nhưng không cho phép cấp tỉnh được quy định mức giá đất của Bảng giá đất, thấp hơn mức giá tối thiểu của Khung giá đất.
Quy định này đã dẫn đến tình trạng một số vị trí đất trong ngõ ngách, hẻm sâu được xác định mức giá đất chưa phù hợp và cũng làm hạn chế tính chủ động của các địa phương. Do vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung, cho phép cấp tỉnh được quy định mức giá đất của Bảng giá đất, thấp hơn (có thể ở mức không quá 30%) mức giá tối thiểu của Khung giá đất, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.