Đổ vỡ, cỏ mọc
Tổ hợp 12 biệt thự nằm trong Làng thể thao Tiên Sơn, tại ngã ba đường Thăng Long giao với Vũ Trọng Phụng, nằm bên bờ sông Hàn thơ mộng. Theo ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, Trung tâm thể thao Tiên Sơn được UBND TP.Đà Nẵng đầu tư, xây dựng từ năm 2002-2003. Cả cụm gồm các nhà biệt thự dành cho các chuyên gia, huấn luyện viên, những vận động viên (VĐV) có thành tích cao, nhà thi đấu, sân tập, chung cư cho cầu thủ... được Đà Nẵng mời về theo diện thu hút nhân tài.
Tại thời điểm xây dựng, mỗi căn biệt thự có giá hơn 1 tỷ đồng, cùng không gian bên ngoài thoáng mát, rộng rãi, đáp ứng điều kiện tối ưu cho các VĐV tập trung tập luyện và thi đấu.
Bên cạnh những khu biệt thự nơi đây, UBND TP.Đà Nẵng còn xây thêm nhiều hạng mục như nhà thi đấu, sân cỏ tự nhiên có rào chắn cho các VĐV được thuận lợi trong việc tập luyện. Nay các công trình này cũng bị bỏ hoang, cổng sắt sụp đổ hư hỏng, cỏ mọc rậm rạp.
Cây dại bám xung quanh biệt thự không người ở. |
Chưa dừng ở đó, sau mỗi mùa mưa, xung quanh cỏ lau nở trắng, phủ kín trên khu đất "vàng". Những căn biệt thự tiền tỉ ở Trung tâm thể thao Tiên Sơn bị nhiều người vào đập phá, lấy nhiều vật dụng để bán phế liệu. Không có người quản lý, trông coi nên nhiều trang thiết bị, kể cả tường rào, cổng ngõ, lan can, cửa sổ... của các căn biệt thự này cũng đã bị tháo gỡ hoặc tự hư hỏng nặng nề.
Những đợt mưa to gió lớn, nhiều mái ngói bị hất tung, vỡ cửa kính, tường nhà nham nhở, bạc màu. Phía bên kia đường, mặt tiền của khu biệt thự nhìn ra con sông Hàn thơ mộng, giờ là cả khu vực cây bụi mọc um tùm.
Ngày hay đêm, cung đường này luôn vắng hoe. Nhìn từ xa, khu biệt thự rất hoành tráng, nhưng đến gần thì bừa bộn, nham nhở, lởm chởm, cây cỏ chằng chịt, khung cửa gỉ sắt, gương cửa nhiều căn nhà vỡ vụn. Bồn hoa giữa làn phân cách đường bây giờ cũng ngập cỏ lau, ngã đổ đèn trang trí... Một khung cảnh nhếch nhác.
Phía sau dãy biệt thự chỉ có cỏ dại cùng với những đàn bò thả rông. Bên cạnh đó, nhà thi đấu tích hợp được xây cùng khu biệt thự cũng bị bỏ hoang, trở thành chỗ trú ngụ của những người vô gia cư, nơi tập kết phế liệu. Đáng sợ hơn, nhờ “ưu điểm” vắng vẻ nên nơi đây trở thành “điểm nóng” của nhiều tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy.
Ban đêm, cảnh tượng ở khu biệt thự càng hoang vắng, con đường hầu như không một bóng người qua lại. Cả con phố vắng lặng chỉ có ánh đèn đường vàng vọt. Còn phía trong các dãy biệt thự sang trọng là bóng đêm hoang vắng. Những cơn gió từ sông Hàn thổi vào lạnh buốt, khẽ đưa những cành cây xào xạc trên mái nhà. Thi thoảng lại nghe tiếng kêu, tiếng côn trùng, tiếng ếch nhái. Chứng kiến khung cảnh này, khó có thể hình dung nơi đây từng là một góc đô thị đẹp với hạ tầng kỹ thuật tiện nghi, hiện đại.
Cỏ dại mọc dày xung quanh khu biệt thự. |
Những người dân sống gần khu nhà biệt thự này cho biết, ban đầu họ rất phấn khởi khi nghe tin có dự án khu nhà biệt thự, hi vọng sẽ làm thay đổi diện mạo địa phương, mang đến nhịp sống đô thị đông vui ở chốn ngoại thành này. Nhưng nay khu biệt thự bỏ hoang, quang cảnh lại thêm hoang vắng hơn.
Khi mới đưa vào hoạt động, khu nhà cũng rất nhộn nhịp, nhưng chỉ được vài năm đầu, càng về sau càng thưa thớt và vắng bóng dần. Từ khi không có người ở, người dân cũng không dám lại gần vào ban đêm vì a ngại cảm giác hoang lạnh từ những khối nhà cửa đồ sộ.
“Đầu tư vô đây không ít tiền, nhưng không sử dụng đúng cách nên trở nên hoang phí. Tôi nghĩ có khi chia lô bán cho dân còn hợp lý hơn. Tôi ít khi đi qua đoạn đường này, cho dù phải đi đường vòng xa hơn để về nhà, vì nhìn khung cảnh ở đây thấy ghê quá”, ông Lại Xuân Long (63 tuổi, ngụ quận Cẩm Lệ) chia sẻ.
Trăm tỉ “tiêu hoang”
Sự ra đời của khu biệt thự bắt đầu từ hơn chục năm trước, khi Đà Nẵng nổi lên là một trong những địa phương đi đầu "chiêu hiền đãi sĩ".
Dù khó khăn, Đà Nẵng vẫn cố gắng đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng nhiều khu thể dục thể thao cho các VĐV tại thành phố. Đây là một dạng chính sách “đãi sĩ” của Đà Nẵng lúc bấy giờ. Và thực tế, nhà biệt thự từng được bố trí cho nhiều VĐV có đóng góp tích cực cho nền thể thao khu vực.
Tuy nhiên, khu biệt thự đến nay đã thay chủ. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.Đà Nẵng, Sở đã không còn quản lý khu biệt thự này nữa.
“Khi xây dựng xong đã bố trí cho một số các VĐV của TP.Đà Nẵng cũng như những chuyên gia huấn luyện các bộ môn ở đấy. Sau này khi bán cho ngân hàng SHB, khu vực đó thuộc toàn quyền sử dụng của SHB, Sở không còn quản lý nữa”, đại diện Sở này cho hay.
Cỏ dại mọc dày xung quanh khu biệt thự. |
Có thời gian, UBND TP.Đà Nẵng trưng dụng một nửa trong số 12 căn biệt thự để làm nhà khách, còn lại bố trí chỗ ở cho đội bóng đá U.19. Đến năm 2007, toàn bộ hạ tầng, cơ sở vật chất ở khu Tiên Sơn này đã bàn giao lại cho Ngân hàng SHB, theo chủ trương xã hội hóa đội bóng với kinh phí hơn 160 tỉ đồng.
Chủ tịch CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng, ông Bùi Xuân Hòa cho biết, trước kia lúc mới xây dựng, Trung tâm thể thao Tiên Sơn vẫn tạm sử dụng khu tập bóng, nhà ở cầu thủ.
Riêng các hạng mục khác chưa dùng là vì Công ty CP SHB Đà Nẵng đang đầu tư, xây dựng tại Hòa Minh (quận Liên Chiểu) một tổ hợp thể thao, giải trí, nhà nghỉ, dịch vụ vui chơi, thương mại, dự định chuyển toàn bộ làng thể thao Tiên Sơn này lên Liên Chiểu.
“Lúc đầu chưa có cơ sở vật chất thì nhà tài trợ lấy chỗ đó (khu biệt thự - PV) là nơi đóng quân của đội bóng. Nhưng sau khi đã có được khu tổ hợp trung tâm lớn thì nhà tài trợ sẽ lấy lại khu đất đó và tính toán để phục vụ công việc khác của tập đoàn SHB”, ông Hòa nói.
Sân đá bóng bị phá cổng, khung sắt đổ sụp. |
Còn theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, cụm thể thao Tiên Sơn là một trong những dự án đang được TP.Đà Nẵng rà soát để có biện pháp xử lý tình trạng bỏ hoang, đưa ra những đề xuất hợp lý nhằm giải quyết một cách ổn thỏa, tránh tình trạng lãng phí.
Trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng dành cho thể thao Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng thì những công trình thể thao hoành tráng tại đây lại không được sử dụng hiệu quả, hoặc không thể phát huy hết công năng, thậm chí gần như bị bỏ hoang.
Khánh thành cuối năm 2010, cũng nằm trong làng thể thao Đà Nẵng, Cung thể thao Tiên Sơn được đánh giá là hiện đại nhất nhì khu vực Đông Nam Á với quy mô xây dựng hơn 1.000 tỉ đồng.
Vậy nhưng, kể từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, công trình thể thao bề thế này chưa bao giờ tổ chức sự kiện thể thao nào đủ sức hấp dẫn để lấp đầy 6.000 chỗ ngồi (có thể mở rộng lên 7.200 chỗ) như sức chứa theo thiết kế.
Một điều nghịch lý, trong khi nhiều công trình, khu biệt thự bị bỏ hoang như trên, không ít người dân tại Đà Nẵng lại đang vất vả về nơi ăn chốn ở, không có chỗ trú ngụ. Đối với họ, một mái nhà che mưa che nắng vẫn là ước mơ chưa biết bao giờ thành hiện thực.