Cho dù 50.000 tỉ lần này mang tính chất “thương mại”, tức là lãi suất cho vay theo thị trường chứ không “ưu đãi” bằng tiền ngân sách như gói 100.000 tỉ mà Bộ Xây dựng đang chủ trì hiện nay. Thế nhưng, vấn đề là điều gì sẽ xảy ra nếu số tiền khổng lồ này chảy… nhầm chỗ vào nhà cửa, đất đai? Và có gì “đặc biệt” đằng sau liên minh chủ trì việc này: Ngân hàng Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Thiên Thanh?
Trong một diễn biến khác, việc Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong năm 2014 “không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới” khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao cơ quan quản lý nhà nước lại can thiệp hành chính sâu vào thị trường như vậy.
Chưa thấy bóng dáng người tiêu dùng
Tiền đã đổ quá nhiều vào bất động sản trong khi tiền không thật sự nhiều trong nền kinh tế. Đổ vào lĩnh vực này thì sẽ thiếu hụt ở lĩnh vực khác căn bản hơn như sản xuất hàng hóa. Trong khi đó, điều đó lại có thể tạo nên những bất ổn tài chính tiền tệ như thời kỳ kích cầu 2008-2009. Ai cũng biết giá bất động sản ở Việt Nam cao ngất ngưởng so với các nước trong khi thu nhập của người dân thì ngược lại. Nhà đất thời gian qua có hạ một chút thì cũng là lẽ thường tình, không chỉ trên lập trường lợi ích của người dân mà còn của chính các doanh nghiệp bất động sản khi tồn kho đang chất chồng.
Gói tín dụng 50.000 tỉ được cho là sẽ tạo ra liên kết bốn nhà: ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà sản xuất vật liệu xây dựng, không có bóng dáng của người tiêu dùng. Liệu có thể diễn dịch đây chỉ là động thái hỗ trợ cho phía cung trong thời điểm hiện tại? Đặt trong mối liên hệ với đề nghị không cấp phép đầu tư mới nữa, thì rõ là phía cung đang được hà hơi tiếp sức từ nhiều phía. Giả sử các nhà đầu tư mới có phương án kinh doanh tốt hơn, giá bán rẻ hơn thì âu cũng là một sự cạnh tranh cần thiết vì chính họ và người mua. Còn ngược lại thì họ phải tự chịu theo quy luật đào thải của thị trường.
Xét trên bình diện lợi ích cho nền kinh tế thì, nói như TS Phạm Thế Anh, việc không cho xây mới ngoài tác dụng tạm thời “giữ giá” sẽ không giúp gì nhiều cho việc hạ tồn kho, mà đó mới chính là vấn đề lớn hiện nay. Không còn cách nào khác, phải tiếp tục hạ giá nhà đất!
Túi tiền của các ông chủ lớn
Không có gì khó hiểu về mục tiêu của gói tín dụng 50.000 tỉ khi nhìn vào những người khởi xướng. Còn nhớ, trước đây Bộ Xây dựng nằng nặc đòi thành lập ngân hàng xây dựng theo thỉnh nguyện của Hiệp hội Bất động sản. Trong khi đó, rất nhiều ý kiến ngăn cản vì đã có nhiều ngân hàng và các ngân hàng này đều cho vay đa ngành, trong đó tỉ lệ cho vay liên quan bất động sản nếu tính đúng, tính đủ đã rất cao, dẫn đến nợ xấu cũng rất cao.
Những tưởng sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bác bỏ thì ý tưởng này xếp trong ngăn kéo. Thế nhưng, một Ngân hàng Xây dựng đã ra đời trên cơ sở đổi tên từ ngân hàng Đại tín. Sẽ không đáng bàn nếu đó chỉ là cái tên bị… trùng. Song không đơn giản như vậy. Những ông chủ mới của ngân hàng này là giới bất động sản! Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Phan Thành Mai đã tham gia hội đồng quản trị của ngân hàng này với vai trò là đại diện cho nhóm cổ đông là các doanh nghiệp bất động sản.
Cổ đông lớn của ngân hàng - Tập đoàn Thiên Thanh đang hoạt động trong ngành vật liệu xây dựng, vốn cũng là dây mơ rễ má. Nay, với gói 50.000 tỉ do Ngân hàng Xây dựng cho vay hoặc bảo lãnh cho vay, liệu các hợp đồng cho vay có đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về kiểm soát rủi ro hay cho vay nội bộ. Nhất là khi vốn và tổng tài sản của ngân hàng này có thể nhỏ hơn 50.000 tỉ định cho vay.
Hoặc giả như không thật sự có gói tín dụng nào cả, giả như tất cả rồi sẽ “đầu voi đuôi chuột” như gói 100.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi mà cho tới nay không mấy người dân nào được hưởng, thì các doanh nghiệp bất động sản vẫn được lợi từ những “đòn gió” truyền thông có chủ đích như thị trường sẽ được hỗ trợ, giá nhà đất đã nhích lên, nhiều dự án cháy hàng…
Bởi lẽ, không biết đâu mà lần khi ngay trong báo cáo của Bộ Xây dựng, phía trên thì than thở thị trường khó khăn, cần cứu bằng cách không cho ra lò dự án mới; bên dưới thì thông tin thị trường đã ấm trở lại. Nếu thế thì cần gì phải cứu?