Theo Quyết định 1831/QĐ-TTg, trong số 157 dự án bao gồm nhiều lĩnh vực: Hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Về hạ tầng giao thông có các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài như: Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 4; cảng biển tổng hợp Hòn Khoai; đường sắt Trảng Bom-Hòa Hưng, tuyến đường sắt Thống Nhất; cảng biển nước sâu (cảng Trần Đề)...
Trong các dự án trên có vốn đầu tư dự kiến hàng tỉ USD. Chẳng hạn, tuyến Metro số 4 Tp.HCM có chiều dài 36,2 km, trong đó 19,9 km đi trên cao và 16,3 km đi ngầm. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỉ USD.
Dự án cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng) từng được một doanh nghiệp có trụ sở ở Hong Kong đề xuất đầu tư với quy mô 6.000ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỉ USD.
Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, kêu gọi đầu tư nước ngoài đối với các dự án: Xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phía bắc huyện Bến Lức, xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ, xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Ninh...
Lĩnh vực hạ tầng giáo dục và y tế có các dự án: Xây dựng bệnh viện đa khoa 1.000 giường thuộc Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; xây dựng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang và Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên;...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định; chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Danh mục; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc Danh mục; rà soát, kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ; kinh phí của các hoạt động thực hiện theo quy định.