Trước đó, như Báo PLVN đã thông tin, ông Lê Đình Trung, 36 tuổi (ở An Giang) và vợ gửi 5 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang với tổng trị giá hơn 43,5 tỷ đồng. Sự việc trở nên rắc rối khi chính bố mẹ ruột của ông là Lê Hữu Phước và Nguyễn Thị Hồng tiến hành các thủ tục hợp pháp yêu cầu Ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền này sang tên mình.
Theo phản ánh của ông Lê Đình Trung, trong khoảng thời gian từ 13/1 đến 6/4/2016, vợ chồng ông đã gửi 5 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang với tổng trị giá hơn 43,5 tỷ đồng. 3 cuốn đứng tên ông Trung, 2 đứng tên bà Ngọc (vợ ông) với cùng kỳ hạn 6 tháng. Đầu tháng 7, khi gần đáo hạn cuốn đầu tiên, ông bà phát hiện đã mất cả 5 cuốn. Hỏi ngân hàng, ông được biết toàn bộ số tiền trong 5 quyển sổ nêu trên đã được chuyển cho ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng - cha mẹ ruột của ông Trung.
Cũng theo lời kể của ông Trung, vào ngày 1/6, vợ chồng ông đang đi khám bệnh ở Cần Thơ thì được cha ông là Lê Hữu Phước gọi điện thoại bảo ghé lại Ngân hàng Việt Á Cần Thơ để tham gia chương trình dự thưởng (ông Phước cũng đang gửi tiết kiệm tại đây). Khi đến nơi, khách hàng được một nhân viên tên Lan Anh đưa mấy tờ giấy trắng bảo ký tên. Lúc đó, ông Trung chỉ đưa chứng minh thư và không hề mang theo hay trình ra sổ tiết kiệm nào. Ngày hôm sau, 2 vợ chồng ông lại quay lại đây gặp cô Lan Anh để ký thêm lần nữa. Ông Trung nhận định những giấy tờ này sau đó đã được chuyển thành giấy uỷ quyền và giấy chuyển nhượng sổ tiết kiệm.
Đến ngày 6/7, vợ chồng ông Trung trình báo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang và sau đó nhận được 2 văn bản giải trình do ông Nguyễn Minh Vũ - Phó giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang ký. Theo đó, ngân hàng xác định ngày 1/6, ông Trung và bà Ngọc đã đến chi nhánh Cần Thơ để yêu cầu chuyển nhượng các sổ tiết kiệm. Một ngày sau, chi nhánh An Giang - nơi 2 ông bà mở sổ - đã nhận được bản chính đề nghị chuyển quyền sở hữu các sổ tiết kiệm nêu trên và thực hiện chuyển cho ông Phước, bà Hồng theo đề nghị và đúng quy trình.
VietA Bank An Giang cũng cho rằng sau thời điểm nêu trên, bên chuyển nhượng đã chấm dứt các quyền đối với sổ tiết kiệm, trong khi phía nhận có toàn quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt tài sản này.
Ngày 8/7, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang đã có buổi làm việc với vợ chồng ông Trung, cho biết quá trình tìm hiểu khiếu nại cho thấy nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi chuyển nhượng, nhất là việc ký các giấy tờ lại diễn ra ở Cần Thơ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang do đó không đủ cơ sở để xác định, mà chỉ có thể trông cậy vào cơ quan tư pháp có đủ chức năng trưng cầu giám định.
Đến ngày 21/7, vợ chồng ông Trung đã làm đơn tố giác gửi tới cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ về việc ông Phước và bà Hồng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trả lời về việc này, tại Thông báo số 176/CSĐT, Thượng tá Nguyễn Thanh Xuân, Phó Thủ tưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ nêu rõ: “Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh đơn của ông Lê Đình Trung và bà Tiêu Mỹ Ngọc tố giác ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Trung và bà Ngọc số tiền 43,504 tỷ đồng là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 120 ngày 8/9/2016 do “Không có sự việc phạm tội” theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự”.
Kết quả không mấy bất ngờ về vụ con trai tố cha ruột lừa đảo hơn 43 tỷ đồng |
Nội dung Thông báo này cũng đã được Công an Thành phố Cần Thơ gửi tới Viện Kiểm sát nhân dân Tp Cần Thơ, ông Lê Đình Trung và bà Tiêu Mỹ Ngọc biết.