Đánh giá chung về vấn đề này, ông Vương Duy Lâm, cán bộ Ban Phát triển Thị trường - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, yếu tố chính gây ra sự thay đổi của lãi suất huy động thời gian qua là từ các quy định mới trong Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Ông Vương Duy Lâm cho rằng, những đợt tăng, giảm lãi suất huy động liên tục như vừa qua không có gì đáng lo ngại bởi nó chỉ diễn ra tại một số ngân hàng chứ không phải trên toàn hệ thống. Các diễn biến này chủ yếu đến từ việc các ngân hàng đang có những động thái cơ cấu, cân đối lại nguồn vốn cho phù hợp với nhu cầu thị trường và cũng để đáp ứng cho những yêu cầu mới về hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (giảm xuống mức 50%) khi Thông tư 06/2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Theo ông Duy Lâm, lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ không chịu áp lực tăng nữa vì lãi suất liên ngân hàng trong những tháng vừa qua cũng không có biến động lớn, cho thấy thanh khoản của toàn hệ thống vẫn dồi dào. Mặt khác, khi các ngân hàng cân đối hoàn tất nguồn vốn của mình, diễn biến tăng, giảm lãi suất hiện nay sẽ sớm chấm dứt.
Đồng quan điểm, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu (Học viện Ngân hàng) cho biết, theo quan sát thời gian qua, mặt bằng lãi suất ngắn hạn hoàn toàn không có gì thay đổi, sự biến đổi trên thị trường chỉ tập trung ở lãi suất trung và dài hạn của một số ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ. Và gần đây, lãi suất giảm nhẹ cũng chỉ diễn ra tại các ngân hàng này và vẫn tập trung ở khu vực trung và dài hạn.
Theo đánh giá tổng quan của bà Hoàng Anh, mặt bằng lãi suất hiện đang khá đồng đều và không xu hướng nào đó cho thấy cần phải tăng lãi suất trong thời gian tới. Trước đó, hồi tháng 3/2017, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ 0,1% - 0,5%/năm tuỳ theo kỳ hạn.
Đáng chú ý phải kể tới các sản phẩm với lãi suất “siêu khủng” như gói chứng chỉ tiền gửi của VPBank với lãi suất lên đến 9,2%/năm hay Sacombank với lãi suất 8,88%/năm. Theo báo cáo 4 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sau khi lãi suất huy động tăng từ 0,1-0,5% tại một số ngân hàng thương mại kể từ tháng 3/2017, sang tháng 4, thị trường chưa ghi nhận thêm mức điều chỉnh đáng kể nào.
Tại thời điểm cuối tháng Tư, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 12 tháng dao động quanh mức 7%. Trên thực tế, nếu lãi suất huy động tăng trên toàn hệ thống, lãi suất cho vay sẽ gián tiếp chịu áp lực và phải tăng theo để đảm bảo chi phí hoạt động của ngân hàng. Từ đó, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp vay vốn sẽ giảm, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết, quy định mới trong Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng khiến doanh nghiệp hết sức lo lắng nếu lãi suất cho vay tăng. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017 quy định việc khống chế tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao).
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016 do kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Bên cạnh đó, nợ xấu chưa được xử lý triệt tiếp tục là rào cản lớn cho hạ mặt bằng lãi suất. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ 1/1/2018.
Theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, đ ể ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016, tức là lãi suất cho vay bình quân chỉ tăng khoảng 0,1 điểm phần trăm, cần đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng./.