“Khi xử lý các sai phạm, Nhà nước giải quyết trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người dân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nào sai phạm phải chịu trách nhiệm. Người dân đã ở ổn định rồi thì phải bảo đảm giữ ổn định”, ông Ninh nói.
Trường hợp dự án phù hợp quy hoạch thì giải quyết theo hướng bảo đảm quyền lợi cho người dân. Trường hợp không phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt nhưng đã bán cho người dân thì việc đưa ra giải pháp yêu cầu chủ đầu tư mua lại sẽ rất khó khăn. Để giải quyết tình huống này địa phương cần lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành liên quan.
Với vấn đề tranh chấp tại nhiều chung cư, ông Ninh cho biết, tranh chấp chung cư có nhiều nguyên nhân, từ xây dựng vượt tầng, không cấp sổ đỏ đúng thời hạn, vi phạm quy hoạch, bàn giao không đúng tiến độ đến việc chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì…
“Vừa qua, chúng tôi nhận thấy có một số dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người dân do dự án chậm bàn giao, cam kết trong hợp đồng nhưng chủ đầu tư không thực hiện như ở các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa, Hà Nội…”, ông Ninh nêu.
“Bản chất của vấn đề là chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết đã ký với khách hàng. Có những nội dung tranh chấp chung cư liên quan đến 2 mảng chính là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện”, ông Ninh nhấn mạnh.
Đánh giá về việc xử lý những sai phạm này, ông Ninh cho rằng rất ít địa phương thực hiện cưỡng chế và xử lý hình sự; pháp luật không thực hiện nghiêm rất khó bảo đảm tính tuân thủ.
Để góp phần khắc phục tình trạng này, ông Ninh cho biết Bộ Xây dựng đang rà soát văn bản, trong tháng 10 này sẽ ban hành sửa đổi Thông tư 02 về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, đẩy nhanh việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bàn giao phí bảo trì, thống nhất cách đo đạc tính diện tích căn hộ để đóng phí hợp lý. Đồng thời lồng ghép vào sửa đổi luật nhà ở theo chương trình của Quốc hội.