Theo thuyết trình của ngành xây dựng, quy định mới này nhằm để xử lý một số trường hợp xây dựng sai phép, không phép, sau khi hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng mới bị phát hiện, trong trường hợp nếu buộc phá dỡ thì cũng gây lãng phí lớn cho xã hội, có những trường hợp đã kéo dài nhiều năm nhưng cũng chưa xử lý được triệt để.
Các công trình áp dụng quy định này phải đảm bảo điều kiện không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp. Quy định mới này không áp dụng đối với tất cả các công trình xây dựng sai phép, không phép.
Theo thống kê của ngành xây dựng, tỷ lệ công trình sai phép, không phép là chừng hơn 9% tổng số các công trình xây dựng. Vì vậy, số lượng công trình thuộc diện điều chỉnh của Thông tư này là rất lớn.
“Luật phải nghiêm minh, không thể nay sai mai gỡ”
Chia sẻ với chúng tôi một tuần sau khi Thông tư này có hiệu lực, bà Hoàng Thị Xuân (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, bà rất quan tâm đến tiến trình thực hiện thông tư này, vì bà có cơ hội hợp thức hóa hai tầng trên mà đã xây quá phép nhiều năm trước.
Ông Vũ Phi Hùng – cán bộ địa chính phương Quang Trung (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) không tán thành quy định “gỡ” kiểu này, bởi, theo ông Hùng, khi cấp phép xây dựng, cơ quan cấp phép đã thẩm định hồ sơ “móng đó phù hợp với kết cấu nhà đó”, và khi xây sai phép thì cũng ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình và sự an toàn của các công trình xung quanh.
“Cơ quan ra quyết định phạt cho tồn tại có thể khẳng định được chất lượng công trình đảm bảo và chịu trách nhiệm về quyết định của mình về một công trình năm tầng trên móng ba tầng hay không? Nếu hồ sơ của dân đáp ứng điều kiện, không cho dân nộp tiền hợp thức hóa sai phạm là làm khó dân, còn cho dân nộp tiền thì khi công trình có vấn đề, người ký quyết định chịu trách nhiệm như thế nào?” – ông Hùng băn khoăn.
Bày tỏ sự đắn đo trước việc thực thi quy định của pháp luật, mà về lý đã có hiệu lực, ông Hùng kiến nghị xem xét lại quy định này. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch phường Quang Trung – cũng bày tỏ, đứng ở góc độ quản lý, ông rất trăn trở: “Vô hình trung, khuyến khích người dân vi phạm. Cấp phường không cấp phép, nhưng mọi phát sinh tại địa phương chúng tôi phải xử lý đầu tiên. Ngay khi Nghị định 121 ban hành, tôi đã thấy có thể sẽ phát sinh nhiều phức tạp. Lĩnh vực xây dựng đô thị vốn đã là lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm, quy định này có thể khiến tình hình trở nên phức tạp và nhạy cảm hơn. Trên hết, pháp luật là phải nghiêm minh và công bằng, không thể có chuyện nay sai mai gỡ”.
Thấy trước một quy định “yểu mệnh”
Là người làm chuyên môn thanh tra xây dựng, ông Phan Anh Đức (cán bộ thanh tra xây dựng) cũng không giấu nổi băn khoăn trước quy định này. Theo ông Đức, mỗi vi phạm có một “kiểu” riêng, một tình huống riêng, và việc xử lý cũng phải xem xét cụ thể từng trường hợp. Vì thế, nếu áp dụng quy định này, ngoài những vấn đề về thủ tục hành chính, còn rất dễ phát sinh ra khiếu kiện do so sánh quyền lợi giữa các hộ dân.
Ông Hoàng Thịnh – nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa, chia sẻ: “Không thể đồng tình với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép, dù các trường hợp này có giới hạn điều kiện. Bởi, việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị”.
Mặt khác việc chuẩn bị, tập huấn cho cán bộ về quy định này cũng chưa tốt. “Về lý, giờ này dân cầm hồ sơ tới hỏi, chúng tôi phải hướng dẫn dân” – ông Đức nói – “Nhưng, đến giờ, chúng tôi là cơ quan quản lý trật tự xây dựng cũng chưa được tập huấn, nên rất khó thực hiện, trong khi chúng tôi cũng còn nhiều băn khoăn, thắc mắc xung quanh quy định này”.
Ngay cả Bộ Xây dựng - cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định số 121 và ban hành Thông tư này, có lẽ cũng thấy được những bất cập. Trong một thông điệp phát đi mới đây, người phát ngôn Bộ Xây dựng cho hay, Bộ đang tập hợp các ý kiến phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội, người dân, đồng thời đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan tiến hành rà soát các quy định có liên quan tại Nghị định số 121 và Thông tư số 02 để báo cáo Chính phủ.
“Trong trường hợp xét thấy còn có các quy định chưa thực sự phù hợp, Bộ sẽ kịp thời đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121, đồng thời tiến hành sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02 phù hợp để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, cũng như tránh làm lãng phí các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư xây dựng”.
Ở một góc độ riêng, một chuyên gia về thị trường bất động sản lại cho rằng, quy định này sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho các hộ riêng lẻ, mà chỉ góp phần “cứu” các chủ đầu tư dự án đã “trót” xây vượt phép giờ đây đang “mắc kẹt” không thể làm sổ đỏ cho khách hàng.
Các công trình xây dựng trái phép, không phép mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.” khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng quy định hành vi vi phạm pháp luật xây dựng.
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.” khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng quy định hành vi vi phạm pháp luật xây dựng.