Thế nhưng qua 4 năm điều tra vụ án, gần 2 năm tạm giam các bị cáo, diễn biến cho thấy ông Khanh và cán bộ ngân hàng không hề lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không hề o ép một bà cụ “sa cơ thất thế” để mua rẻ tài sản.
Kết luận điều tra (KLĐT) mới nhất của Công an Bình Dương chỉ còn nội dung cho rằng ông Khanh “giúp sức” cho ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, hai cán bộ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) trong quá trình xử lý tài sản thế chấp của cụ Hiệp.
Ông Nguyễn Hồng Khanh trong một phiên xử. |
Lập luận về sự “giúp sức” của ông Khanh
Như PLVN đã phản ánh, tóm lược vụ án như sau: Cụ Hiệp (nay đã qua đời-NV) từng mang đất thế chấp tại BIDV. Khi món nợ đã chuyển thành nợ xấu, không trả được, cụ Hiệp đề nghị ngân hàng cho bán đất lấy tiền trả nợ. Ngân hàng có văn bản đồng ý. Cụ Hiệp bán đất cho ông Khanh. Hai cán bộ ngân hàng sau đó bị cáo buộc “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, ông Khanh bị cáo buộc là “đồng phạm”.
Trước đây, khi ban hành KLĐT lần đầu, CQĐT từng nêu cả tình tiết con trai cụ Hiệp có đơn tố cáo ông Khanh “lợi dụng chức vụ o ép cụ Hiệp bán rẻ tài sản, chiếm đoạt tài sản”. Nhưng VKS đã thừa nhận ông Khanh không hề o ép cụ Hiệp tại phiên tòa cuối năm 2019.
Tại KLĐT mới đây, Công an Bình Dương cáo buộc ông Khanh như sau: Lần mua bán thứ nhất năm 2013, cán bộ ngân hàng đồng ý cho cụ Hiệp nhận một phần tiền mặt từ việc xử lý tài sản thế chấp là trái quy định. Số tiền lẽ ra phải thu hồi hết về cho ngân hàng. Việc làm của hai cán bộ ngân hàng, ông Khanh biết, thể hiện tại Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ (hợp đồng ba bên, không có công chứng). Ông Khanh thanh toán một phần tiền mặt cho cụ Hiệp nhưng vẫn ký hợp đồng ba bên (một hợp đồng khác) ngày 16/12/2013 với giá tiền bằng số tiền ngân hàng thu hồi nợ. Theo CQĐT, đó là căn cứ chứng minh vai trò giúp sức của ông Khanh che giấu hành vi trái luật do hai cán bộ ngân hàng thực hiện.
Lần thứ hai vào năm 2015, ông Khanh tiếp tục bị cho rằng “giúp sức”; là ông Khanh chuyển vào tài khoản của cụ Hiệp và Công ty An Tây (cũng do cụ Hiệp đứng tên) 2,797 tỷ; trong khi đó giá trên hợp đồng công chứng khi chuyển nhượng QSDĐ là 2,7 tỷ. Việc thanh toán dư 97 triệu là ông Khanh thực hiện đúng giá cán bộ ngân hàng đề xuất bán. CQĐT cho rằng như vậy ông Khanh có bàn bạc, thống nhất với cán bộ ngân hàng trong việc thanh toán tiền thu hồi nợ và thanh toán một phần tiền mặt cho cụ Hiệp.
Lần thứ ba vào năm 2015, ông Khanh bị cho là có sự bàn bạc, thỏa thuận với ông Lộc, cụ Hiệp. Chứng minh là tại tờ trình, ông Lộc có báo cáo việc ông Khanh cho cụ Hiệp ở lại trên đất, hỗ trợ tiền sinh sống… CQĐT cho rằng đó là căn cứ chứng minh ông Khanh biết rõ cụ Hiệp còn nợ ngân hàng.
Từ những “căn cứ” trên, CQĐT cho rằng ông Khanh ý thức, biết rõ hành vi của cán bộ ngân hàng là trái quy định về xử lý tài sản thế chấp nhưng vẫn đồng ý, là “đồng phạm giúp sức”.
“Không có cơ sở pháp lý để truy tố, kết tội”
“Chứng cứ” thể hiện việc ông Khanh biết hành vi của cán bộ ngân hàng là trái luật nhưng vẫn thực hiện mà CQĐT đưa ra, là hợp đồng ba bên ngày 16/12/2013. Vậy hợp đồng này như thế nào?
Hợp đồng này chỉ nêu diện tích, số tiền mua bán, phương thức thanh toán do cụ Hiệp yêu cầu. Cụ Hiệp yêu cầu thanh toán vào tài khoản của Công ty An Tây và đưa tiền mặt cho cụ. Ngân hàng được xác định là “bên đang giữ tài sản”, và trong hợp đồng không hề có nội dung về trách nhiệm, quyền lợi hoặc yêu cầu do phía ngân hàng nêu ra để bên bán hay bên mua phải thực hiện.
Trong hợp đồng ba bên này không có nội dung nào nói rằng “toàn bộ tiền phải nộp vào ngân hàng” hoặc “nếu không nộp hết tiền mua bán vào ngân hàng là trái luật”. Vậy căn cứ nào để CQĐT nói ý chí chủ quan của ông Khanh biết rõ là việc thanh toán tiền mặt cho cụ Hiệp là trái luật?
LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) phân tích: “KLĐT như vậy là thiếu căn cứ. Tại phiên tòa hồi tháng 12/2019, ông Hùng đã nói không hề gặp, liên lạc, nói chuyện với ông Khanh trong quá trình xử lý tài sản cụ Hiệp. Còn ông Lộc chỉ gặp 1 lần để xác nhận bằng miệng là “ngân hàng đồng ý cho bán”. Hợp đồng ba bên ngày 16/12/2019 được thực hiện như sau: Cụ Hiệp tự lập văn bản, mang đến ngân hàng cho ông Lộc ký, rồi sau đó đưa cho ông Khanh ký. Với ông Khanh, đây là căn cứ để ông tin tưởng là ngân hàng đồng ý bán tài sản thế chấp. Như vậy không có sự bàn bạc, thống nhất gì ở đây cả”.
LS Nguyễn Hoài Nghĩa cho rằng KLĐT bổ sung cáo buộc ông Khanh "giúp sức" là thiếu căn cứ pháp lý. |
“Hợp đồng ba bên chỉ là một hình thức để ông Khanh có chứng cứ là ngân hàng đồng ý cho cụ Hiệp bán tài sản. Ông Khanh mua bán với cụ Hiệp nên phải tuân thủ theo yêu cầu của người bán. Trường hợp trong hợp đồng ba bên, ngân hàng nêu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ ràng buộc giữa các bên; và nếu như ông Khanh vi phạm những ràng buộc đó thì cũng chỉ là vi phạm nghĩa vụ thanh toán, là vi phạm dân sự, chứ không phải tội phạm”.
“Ông Khanh mua bán với cụ Hiệp. Hồ sơ không có chứng cứ nào ràng buộc ông Khanh phải thanh toán toàn bộ tiền cho ngân hàng. Các quy định hiện hành đều không hề buộc ông Khanh phải có nghĩa vụ với bên thứ ba là ngân hàng”.
“Nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng là của cụ Hiệp. Không có quy định hoặc thỏa thuận nào buộc ông Khanh phải trả đủ, trả hết tiền cho ngân hàng. Tiền chuyển khoản hay tiền mặt đều là trả cho cụ Hiệp. Việc sử dụng tiền này như thế nào thuộc về trách nhiệm của ngân hàng và cụ Hiệp. Quy định nào buộc ông Khanh sau khi trả tiền xong phải biết, phải giám sát cụ Hiệp sử dụng tiền vào mục đích gì hay không?”.
“Từ những lẽ trên, tôi khẳng định không có cơ sở pháp lý để truy tố, kết tội cả ba người trong vụ này, đặc biệt là với ông Khanh”, LS Nghĩa nói.
LS Nguyễn Văn Quynh đánh giá vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai. |
LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) nói: “Căn cứ” duy nhất CQĐT đưa ra để cho rằng ông Khanh giúp sức là dựa vào hợp đồng ba bên ngày 16/12/2013. CQĐT nói ký 2 – 3 lần, diện tích thay đổi, số tiền khác nhau là che giấu hành vi phạm tội là suy diễn. Thứ nhất, nếu sai thì ký lại vì đây là quan hệ dân sự. Thứ hai, hợp đồng ba bên không công chứng nghĩa là không có giá trị pháp lý. Cũng không thể cứ thấy ông Khanh hứa hỗ trợ cụ Hiệp vì cụ không còn tài sản, chỗ ở; rồi suy diễn đó là “câu kết”.