Theo thống kê của thành phố Hà Nội, đến hết 2022, Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trong đó, 12 dự án bị loại khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND TP; 59 dự án bị chấm dứt hoạt động, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch theo quy định; 31 dự án đang được Sở KH&ĐT kiểm tra và đề xuất xử lý; và 19 dự án đang tổ chức thanh tra để thiết lập hồ sơ, làm cơ sở xem xét chấm dứt dự án theo quy định.
Hà Nội đã xử lý 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, 109 dự án với diện tích 326ha đất, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các vi phạm và đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai.
Ban hành văn bản thu hồi 23 dự án và đang xem xét thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động với 21 dự án khác.
85 dự án (tổng diện tích 132ha) chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng đã được UBND TP ra quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng 498 tỷ đồng.
152 dự án đang được tiếp tục đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể với từng dự án tại từng kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm…
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã có phương án đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý.
Về kế hoạch 2023, UBND TP yêu cầu giám đốc các sở, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện tập trung ban hành kế hoạch, khung tiêu chí xử lý với các dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất xong trước 31/5/2023, định kỳ báo cáo hàng tháng.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp đôn đốc các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng đã được UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất; tham mưu, báo cáo xử lý từng trường hợp; lập danh mục các dự án bị thu hồi đất, chấm dứt việc thu hồi đất, giao đất cho thuê đất, thu hồi, chấm dứt, dừng thực hiện.
TP cũng yêu cầu tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa vào hoạt động, thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, tạo nguồn thu từ đất. "Có quan điểm rõ ràng với từng nhóm dự án, nhất là các dự án không đảm bảo về pháp lý. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư để hợp thức hóa việc gia hạn các dự án chậm triển khai", văn bản nêu rõ.
Với các dự án chậm triển khai đã thanh, kiểm tra kết luận, TP đã chỉ đạo nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng; hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm; thì kiên quyết lập hồ sơ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất.