Doanh nghiệp “khát” vốn
Theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, với đặc điểm vốn tự có thấp, quy mô hoạt động đang có xu hướng ngày càng mở rộng nên nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DNNVV đang rất lớn, nhất là vốn trung và dài hạn để đầu tư mới cơ sở SXKD, đầu tư mở rộng SXKD, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực hoạt động.
“Nhu cầu vốn trong và dài hạn theo một cách truyền thống, được cung cấp bởi các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên khảo sát gần đây do Viện nhân lực Ngân hàng tài chính thực hiện, chỉ có khoảng 32,38% DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng; 35,24% DN phản ảnh là khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, số còn lại cho biết không thể tiếp cận được vốn vay…”- ông Thân cho hay.
Bên cạnh kênh huy động vốn từ các ngân hàng thương mại thì các DNNVV cũng có thể huy động vốn trung và dài hạn thông qua thị trường chứng khoán dưới các hình thức như phát hành cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ khác như trái phiếu chuyển đổi…
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, ở kênh huy động này, khả năng huy động vốn của DNNVV lại càng thấp hơn do hạn chế về năng lực hoạt động, năng lực tài chính, không đáp ứng đủ điều kiện để được phép phát hành các công cụ huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, với thời gian hoạt động chưa lâu, uy tín trên thị trường chưa cao cũng ảnh hưởng đến khả năng thành công của các DNNVV khi huy động vốn qua thị trường này…
Thị trường cho thuê tài chính đang bị bỏ ngỏ
Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rất ngạc nhiên với vị thế của cho thuê tài chính (CTTC) tại Việt Nam, bởi họ đã sử dụng dịch vụ này như một “thói quen” tại thị trường các nước phát triển.
Số liệu công bố cho thấy, tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD. Tại Mỹ, 80% các DN từ DN nhỏ cho tới các DN lớn trong danh sách Fortune 500 đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động SXKD của mình. Riêng tại Nhật Bản, doanh số CTTC hàng năm cũng vào khoảng 50 tỷ USD. Trong khi đó tại Việt Nam, nơi mà hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính đã tương đối phát triển, thì CTTC vẫn là một thị trường nhỏ bé, với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng.
Theo báo cáo của Hiệp hội CTTC Việt Nam, hiện cả nước có 11 công ty CTTC (7 công ty là công ty con của ngân hàng thương mại trong nước, 3 công ty 100% vốn nước ngoài và 1 công tư thuộc Vinashin), Điều đáng tiếc là quy mô của thị thường CTTC ngày càng giảm dần. Nếu như năm 2012, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính là 3098 tỷ đồng, dư nợ cho thuê 15.540 tỷ đồng, số lượng khách hàng là 2.161 khách hàng795 cán bộ nhân viên thì năm 2016, các con số tương ứng là 2.561 tỷ đồng, 8.712 tỷ đồng, 1.404 khách hàng và 441 nhân viên.
Tại buổi tọa đàm nhân sự kiện khai trương Công ty CTTC TNHH BIDV – SuMi TRUST (BSL), công ty CTTC liên doanh đầu tiên giữa Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản hôm 8/9 vừa qua, nhiều ý kiến đã đưa ra những nhìn nhận mới, khách quan về vai trò của CTTC cũng như tiềm năng của thị trường này tại Việt Nam trong tương lai.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với mức tăng trưởng GDP >6,5% giai đoạn 2017-2020; tạo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải đường bộ phục vụ đầu tư phát triển. Thuê tài chính sẽ là một giải pháp quan trọng giúp DN vượt qua các rào cản tiếp cận vốn (nhất là nguồn vốn trung - dài hạn, trong bối cảnh định hướng hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng, và đặc thù thiếu tài sản đảm bảo cho việc cấp tín dụng của các DNNVV, DN đang tăng trưởng nhanh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hình thức thuê tài chính không những giúp DN tiếp cận được với rất nhiều loại tài sản, giúp DN gia tăng năng lực, nâng cao công nghệ hiện đại hóa sản xuất, bắt kịp với xu hướng thị trường trong điều kiện nguồn vốn đầu tư bị hạn chế mà thuê tài chính không ảnh hưởng bất lợi đến các hệ số kinh doanh của DN đi thuê… “Đứng trên góc độ của DN, việc sử dụng hình thức thuê tài chính có nhiều điểm thuận lợi cho DN nói chung và cho DNNVV nói riêng”- ông Thân khẳng định.
Với việc khai trương công ty CTTC liên doanh đầu tiên của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng bày tỏ sự vui mừng về một sự kết hợp giữa nền tảng công nghệ tiên tiến và sự thấu hiểu thị trường Việt Nam, giữa kinh nghiệm quốc tế và mạng lưới rộng khắp của BIDV…
“Với những bước đi bài bản từ kinh nghiệm quốc tế của SuMi TRUST, cùng với sự am hiểu thị trường trong nước và mạng lưới khách hàng của BIDV, Công ty CTTC BSL cung cấp các sản phẩm CTTC đa dạng, hứa hẹn sẽ đem đến một kênh dẫn vốn trung dài hạn mới cho DN khi có nhu cầu đầu tư thêm máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc BSL cam kết.