Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong quý II/2021, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), cho hay đất nền vẫn sẽ là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên sau thời gian "nóng sốt", các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh. Mặc dù vậy, nhu cầu của nhà đầu tư vẫn rất mạnh và họ có xu hướng tìm kiếm những kênh đầu tư an toàn hơn.
Cùng quan điểm với ông Đính, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn nhận định, mặc dù cơn sốt đất nền tại các tỉnh có thể đi qua nhưng mức giá sẽ khó giảm mạnh. Nguyên nhân bởi hầu hết nhà đầu tư trên thị trường đều có tiềm lực tài chính nên sẽ không có chuyện bán tháo cắt lỗ mạnh mà giá chỉ giảm nhẹ, giao dịch sẽ chững lại trong bối cảnh thị trường thiết lập mức giá mới.
Theo ông Quốc Anh, Hà Nội vẫn là thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư hiện nay bởi giá BĐS tại Hà Nội mới chỉ bằng 2/3 giá nhà đất tại Sài Gòn: "Thị trường BĐS Hà Nội đang ở thời kỳ tăng trưởng gần giống Sài Gòn cách đây 2-3 năm. Nếu cách đây 5 năm, BĐS Hà Nội luôn cao hơn Sài Gòn thì nay tình hình đã đảo ngược khi giá BĐS Hà Nội hiện chỉ bằng 2/3 Sài Gòn".
"Đây cũng là nguyên nhân từ đầu năm 2021 nhiều nhà đầu tư chọn Hà Nội là nơi dừng chân. Con số cho thấy nếu trước kia 53% nhà đầu tư Hà Nội chọn Hà Nội để đầu tư thì đến nay con số này đã tăng lên 86%. Trong bối cảnh cơn sốt thị trường tỉnh lẻ hạ nhiệt nhiều khả năng Hà Nội sẽ tiếp tục là vùng trũng hút dòng tiền của nhà đầu tư", ông Quốc Anh cho biết.
Quan sát thực tế cho thấy, hiện nay 3 lực đẩy mạnh nhất cho thị trường BĐS Hà Nội là đồ án quy hoạch Sông Hồng vừa được công bố, hàng loạt công trình giao thông lớn đã hoàn thiện cùng với đó là sự khan hiếm nguồn cung mới.
Tháng 3, thông tin đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được nghiên cứu trên không gian dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở với diện tích bao phủ khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn 13 quận, huyện đã tác động đến tâm lý thị trường khiến giá đất tại hàng loạt khu vực Đông Anh, Long Biên… tăng chóng mặt, có những nơi giá được đẩy 30% chỉ trong vòng vài ngày.
Cùng với đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhiều khu vực có sự bứt tốc về hạ tầng như huyện Hoài Đức với thông tin sẽ lên quận, cùng một số tuyến đường đang được hoàn thiện như vành đai 3,5, quốc lộ 70 và đường Trịnh Văn Bô kéo dài đã thông tuyến với đường 422... cũng khiến các dự án phía Tây Thủ đô vốn "nằm" yên ắng cả chục năm qua bỗng nhiên "sống" dậy và tăng giá mạnh. Điển hình như khu đô thị Vườn Cam, Đại học Vân Canh, Lideco Bắc 32, Kim Chung - Di Trạch, Hà Đô Chalm Villas, An Lạc Symphony.
Nhiều dự án thấp tầng vừa ra hàng cũng được săn lùng mạnh mẽ. Có thể kể đến như dự án Shophouse Him Lam Vạn Phúc (Hà Đông). "Chưa bao giờ thị trường phía Tây chứng kiến sự sốt nóng của nhà thấp tầng đến thế. Có những giai đoạn mở bán Him Lam Vạn Phúc, số lượng khách đặt hàng vượt số lượng hàng đưa ra bởi dự án có pháp lý đầy đủ và sổ đỏ lâu dài", anh Nguyên, môi giới BĐS cho biết. Được biết, Him Lam Vạn Phúc là nguồn cung nhà thấp tầng duy nhất đủ điều kiện bán hàng khu vực phía Tây Hà Nội trong năm 2020.
Thực tế cho thấy, hiện tượng nhà đầu tư chốt lời ở các thị trường khác về găm tiền vào các tài sản BĐS giá trị tại Hà Nội ngày càng nhiều. Trong bối cảnh nguồn cung mới khan hiếm, thị trường thứ cấp được giao dịch sôi động, đặc biệt là phân khúc nhà thấp tầng tại các khu đô thị. Đặc biệt, khách hàng săn lùng những sản phẩm shophouse mới vừa có giá trị kinh doanh vừa có thể ở.
Đánh giá về thị trường BĐS Hà Nội, nhiều nhà đầu tư cho biết giá sẽ còn tiếp tục tăng, đặc biệt là phân khúc thấp tầng trong bối cảnh Hà Nội đang ngày càng mở rộng về phía Tây. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra lời cảnh báo cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường rất sôi động cần tỉnh táo chọn những sản phẩm pháp lý tốt, có thể đưa vào kinh doanh hoặc ở ngay, tránh việc ham rẻ mua những sản phẩm BĐS còn chưa rõ ràng về pháp lý.