Theo ông Quang, thị trường bất động sản (BĐS) đang phát triển ổn định, không quá nóng như dự đoán, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng 3 tháng đầu năm 2016 cao nhất từ năm 2010 đến nay.
Tốc độ kinh doanh BĐS là 3,33%, cao nhất từ năm 2012 đến nay. Giao dịch BĐS đã tăng trở lại, riêng tháng 3, giao dịch tăng 4% so với tháng 2 dù vẫn giảm so với cùng kỳ 2015.
Nhưng thị trường BĐS vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có sự minh bạch trong thị trường, nhất là minh bạch thông tin giữa chủ đầu tư, nhà phân phối đến khách hàng, giữa ban quản lý tòa nhà với dân cư.
Bên cạnh đó, nguồn vốn BĐS chủ yếu từ tín dụng (56%), và nguồn khác (27%), còn vốn từ doanh nghiệp chỉ chiếm 16-17%. Do đó, Hiệp hội và các hội viên đang nỗ lực để thị trường BĐS bớt lệ thuộc vào vốn ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro, phát triển lành mạnh và bền vững.
Gặp mặt giao lưu thường xuyên giữa Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) với báo chí |
Trước băn khoăn về tình trạng tồn kho BĐS, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, BĐS là hàng hóa đặt biệt, vốn của DN lại luôn hữu hạn so với thị trường nên BĐS “luôn có sự tồn kho”.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS Việt Nam đang tăng trưởng ở giai đoạn đầu nên “tồn kho BĐS là bình thường”. Song “chính sách và thị trường cần phải “gặp nhau” để thị trường phát triển đúng tiềm năng” - ông Điệp nhấn mạnh.
Thực tế, những BĐS tồn kho giảm chậm hiện nay thực tế là “không có sự biến chuyển” đối với các dự án không có cơ sở hạ tầng xã hội và giao thông, không thực sự phục vụ cho nhu cầu cuộc sống. "Đó là bài học thực tế cho những người đầu tư kiểu “lướt sóng” - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Hữu Cường nhận xét.
Do đó, theo ông, những BĐS này sẽ còn “chết lâu” nếu không hồi sinh được cộng đồng dân cư xung quanh.