Hội sở chính của Vietcombank ở Hà Nội |
Hội sở ngân hàng giống… nhà dân!
Kể từ khi trụ sở Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 198 Trần Quang Khải chính thức đi vào hoạt động, màu sơn nhận diện trụ sở, văn phòng chi nhánh (màu “áo”) của Vietcombank nghiễm nhiên được xem như màu đỏ đô (hơi sậm hơn một chút). Để dễ hình dung, chúng tôi gọi màu này giống như màu lõi bên trong quả măng cụt (gọi tắt là “màu măng cụt”), bao năm đã hằn sâu vào trong mắt khách hàng quen thuộc.
Nhưng, năm 2013, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, Vietcombank đã chính thức công bố thay đổi nhận diện với logo gần giống chiếc cổ áo sơ mi và thay hình ảnh này ở toàn bộ trụ sở, các chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc.
Kể từ thời điểm ấy, các trụ sở xây mới của Vietcombank ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều mang một màu “áo” khác xa lạ trong mắt khách hàng, cho dù khối đế vẫn được giữ “màu măng cụt” tồn tại cả chục năm. Điều đáng nói, màu “áo” mới mà Vietcombank quyết định khoác lên mình lại không có được nét đặc trưng, khác biệt như “chiếc áo” cũ, thậm chí có người nói nó dễ gây nhầm lẫn với nhiều công trình xây dựng khác.
Cụ thể, trụ sở Vietcombank đã chính thức khoác màu “áo” mới với nhận diện “màu vàng khè” - lời một nhân viên Vietcombank. Thông tin từ Vietcombank chi nhánh Thừa Thiên Huế cũng xác nhận, trụ sở của chi nhánh này ở Cố đô đã được thay đổi từ tháng 4/2018.
Với màu vàng như hiện nay, trụ sở, phòng giao dịch của Vietcombank hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn với bất kỳ nhà một người dân nào. Trong khi đó, mục đích của cuộc thay đổi nhận diện thương hiệu chính là việc phải khắc sâu hơn nữa hình ảnh, màu sắc riêng biệt của thương hiệu đó vào tâm trí khách hàng.
“Việc thay đổi logo của Vietcombank đã từng gây ra lùm xùm vì có nghi ngờ “đạo” logo của một thương hiệu lớn khiến cho cuộc thay đổi nhận diện thương hiệu của Vietcombank mất đi nhiều giá trị. Giờ, hội sở, trụ sở có thể bị nhầm lẫn với hàng chục triệu ngôi nhà dân trên cả nước thì liệu có thể coi đó là một thành công trong chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu của Vietcombank?” - một chuyên gia thương hiệu thẳng thừng nhận xét.
Vietcombank chi nhánh Huế đã được “thay áo” mới trước sự ngỡ ngàng của không ít khách hàng. Ảnh: Quang Tám |
Lãng phí tiền tỷ?
Theo một nguồn tin, Vietcombank đã công bố các công trình xây dựng trụ sở của Vietcombank sẽ có sự thống nhất về thiết kế, kiến trúc và công năng. Do vậy, trong thời gian tới, 63 trụ sở của Vietcombank trên cả nước sẽ có sự thay đổi về màu “áo”. Còn lại, khoảng 40 chi nhánh và hơn 300 phòng giao dịch chắc chắn cũng sẽ có sự chuyển dịch theo để đồng bộ với trụ sở chính ở Hà Nội.
Một nguồn tin của PLVN còn cho hay, Vietcombank đã thông báo chủ trương đổi màu trụ sở xuống các chi nhánh. Thông báo này cũng đồng thời đề nghị các trụ sở, chi nhánh sắp xếp thời gian để “nhà thầu” mà Vietcombank Trung ương đã “chấm” trước vào thi công sơn “tút”.
Ngân hàng này sẽ tiêu tốn bao nhiêu tiền cho kế hoạch nói trên? Xin lấy một ví dụ cụ thể: Công trình trụ sở Vietcombank Kon Tum đang xây dựng, có quy mô 7 tầng được xây dựng trên diện tích 627m2 với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4.809m2. Như vậy, diện tích sơn phủ (chỉ tính mặt ngoài) sẽ rơi vào khoảng 7.200 m2.
Với chi phí sơn trung bình (thấp nhất) khoảng 40.000 đồng/m2 (bao gồm cả công sơn), trụ sở Vietcombank Kon Tum sẽ tiêu hết khoảng 300 triệu đồng cho riêng việc sơn màu “áo” mới. Nếu cứ nhân với số lượng trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch hiện có của Vietcombank trên toàn quốc, con số này sẽ lên tới bao nhiêu?
Điều đáng ngờ hơn, một kế hoạch có giá trị hàng chục tỉ đồng mà không có bất kỳ một thông tin đấu thầu công khai nào được công bố, trong khi đó, theo thông tin chúng tôi biết, Vietcombank đã từng công khai công bố đấu thầu rộng rãi với các gói thầu có giá trị chỉ vào khoảng... 1 tỉ đồng.
Ví dụ như Vietcombank đã mời thầu xây dựng trụ sở chi nhánh Phú Yên, với giá trị chỉ khoảng hơn 1 tỉ đồng hoặc gói thầu Tư vấn giám sát thi công và lắp đặt thiết bị công trình với giá trị gói thầu khoảng 3,1 tỉ đồng. Và khá nhiều gói thầu khác có giá trị khoảng vài tỉ khác cũng được công bố rộng rãi, công khai.
Vậy vì sao Vietcombank lại không công bố gói thầu “thay áo mới” có giá trị gấp nhiều lần những gói thầu đã từng công bố nêu trên?
Trước đây, Vietcombank là một ngân hàng 100% vốn nhà nước, sau khi cổ phần hóa, năm 2008, Vietcombank chính thức chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, hiện nay, Nhà nước vẫn là cổ đông chính của Vietcombank với khối lượng nắm giữ lên đến hơn 70% cổ phần. Như vậy, Vietcombank đã lãng phí tiền của Nhà nước?
Không thành công khi thay đổi nhận diện thương hiệu?
“Việc thay đổi logo của Vietcombank đã từng gây ra lùm xùm vì có nghi ngờ “đạo” logo của một thương hiệu lớn khiến cho cuộc thay đổi nhận diện thương hiệu của Vietcombank mất đi nhiều giá trị. Giờ, hội sở, trụ sở có thể bị nhầm lẫn với hàng chục triệu ngôi nhà dân trên cả nước thì liệu có thể coi đó là một thành công trong chiến dịch thay đổi nhận diện thương hiệu của Vietcombank?”, một chuyên gia thương hiệu nhận xét.