Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn, lần đầu tiên, trong văn bản cấp luật, mục tiêu khi ban hành các quy định về ĐKKD đã được chỉ ra, đó là vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia: trật tự an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe cộng đồng”.
Thống kê ban đầu VCCI cho thấy, 243 ngành nghề KDCĐK quy định tại phụ lục Luật Đầu tư 2014 tương ứng với 5.719 ĐKKD. So với thời điểm trước khi ban hành phụ lục này thì số ĐKKD đã giảm khoảng 107 ĐKKD. “Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của DN. Tuy nhiên, chưa có một cuộc đánh giá toàn diện nào về những ĐKKD hiện hành để xem xét tính phù hợp của các điều kiện này so với tính chất mục tiêu mà một ĐKKD nên có…” - Trưởng ban Pháp chế VCCI lý giải vì sao VCCI thực hiện cuộc rà soát về ĐKKD lần này.
3 bộ được lựa chọn rà soát là Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Bộ KH&CN. Một trong những lý do VCCI đưa ra là ngành nghề KDCĐK của 3 bộ này bằng ¼ tổng số ngành nghề KDCĐK của tất cả các bộ còn lại (65/243 ngành nghề KDCĐK). Đặc biệt nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến ĐKKD của các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của 3 bộ được DN, hiệp hội hay báo chí phản ánh khá nhiều trong thời gian qua…
Điều kiện kinh doanh “giết chết” doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI, qua rà soát 14 ngành nghề với 402 ĐKKD, điểm nổi bật ở các ĐKKD này là ĐKKD có tính chất áp đặt quy mô DN. Có đến 8/14 ngành nghề, tập trung ở Bộ Công Thương và Bộ GTVTcó áp đặt quy mô DN ở các hình thức khác nhau.
Ví dụ yêu cầu các chủ thể kinh doanh phải có tối thiểu cơ sở vật chất nào đó (đơn vị vận tải phải có tối thiểu 50 xe taxi nếu trụ sở đặt tại các TP trực thuộc TW; thương nhân xuất nhập khẩu LPG phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000m3…); Yêu cầu tổ chức bộ máy phải có bộ phận nhất định (DN cung cấp dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải biển, lai dắt tàu biển phải có người phụ trách chuyên trách về pháp chế, khai thác kinh doanh…); Hay yêu cầu thương nhân phải có số vốn tối thiểu (kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải có 10 tỷ đồng tiền ký quỹ , thương nhân phân phối rượu phải có vốn tối thiểu 1 tỷ đồng…).
Một điểm nổi bật nữa là các ĐKKD có tính chất can thiệp và quyền tự do kinh doanh của DN. Ví dụ yêu cầu tổ chức kinh doanh phải theo một phương thức cứng nhắc (kinh doanh xe vận tải chia thành các hình thức: Vận tải theo tuyến cố định, bằng xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch; kinh doanh LPG đầu mối phải tổ chức kinh doanh theo hệ thống phân phối tổ đại lý, đại lý, cửa hàng bán LPG chai, phải có trạm cập hoặc trạm nạp PLG…); Hay yêu cầu phải tổ chức kinh doanh theo quy mô nhất định, thậm chí các yêu cầu liên quan đến quản lý nội bộ, tự chủ kinh doanh của DN…
Đáng ngại ĐKKD vẫn còn có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính như yêu cầu điều kiện về nghiệp vụ chuyên môn của các nhân viên phục vụ trên phương tiện ô tô, tàu thủy nội địa, yêu cầu nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển khách du lịch phải được tập huấn về nghiệp vụ du lích; Đại lý, cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm phải có địa chỉ rõ ràng, biển hiệu ghi rõ đại lý hoặc cửa hàng bán lẻ mũ bảo hiểm được gắn hoặc treo ở vị trí mặt trước bên ngoài của đại lý hoặc cửa hàng ở vị trí dễ quan sát…
“Có thể nhận thấy với những đặc điểm của ĐKKD như trên, các DN nhỏ và vừa muốn tham gia thị trường của các ngành nghề trên là rất khó khăn. Thực tế cũng đã chứng minh những ĐKKD trên đã “giết chết” rất nhiều DN nhỏ và vừa và biến thị trường thành “sân chơi” của một số DN có tiềm lực tài chính…”- Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận xét.
“Giảm 10, tăng 7…”
Theo rà soát của VCCI, trong số 243 ngành nghề KDCĐK, có 16 ngành nghề xác định là ngành nghề KDCĐK là chưa phù hợp, 10 ngành nghề có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp.
Đối với 5 ngành nghề KDCĐK tương ứng với 195 ĐKKD của Bộ Công Thương VCCI đề xuất xóa bỏ 56 ĐKKD, sửa đổi 4 ĐKKD; Đối với 4 ngành nghề KDCĐK tương ứng với 116 ĐKKD của Bộ GTVT, VCCI đề xuất bỏ 27 ĐKKD, sửa đổi 4 ĐKKD; Đối với 5 ngành nghề KDCĐK của Bộ KH&CN, VCCI đề xuất bỏ 12 ĐKKD, sửa đổi 5 ĐKKD.
Tuy nhiên theo Luật sư Trương Thanh Đức, Cty Luật BASICO, đề xuất của VCCI là quá dè dặt. “Qua theo dõi cho thấy, cứ giảm biên được 7 thì tăng thêm 10 giảm, trường hợp này giảm được 10 ĐKKD thì tăng thêm 7, cho nên thực tế chỉ giảm được 3 ĐKKD. VCCI cần đề xuất dẹp 1 nửa hoặc 1/3, chứ thế này còn quá ít…”- Luật sư Đức đề nghị.
Ông dẫn chứng quy định cấm dịch vụ xe chung của Bộ GTVT mới đây. “Tôi cho rằng đây là hành động trái luật. Dịch vụ đi xe chung không hề có trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh của Luật Đầu tư. Soi vào ngành nghề KDCĐK trong lĩnh vực giao thông vận tải, cũng không có tên ngành nghề này”- ông Đức khẳng định.
Vị Luật sư này cũng cho rằng VCCI chưa rà soát ĐKKD quy định trong Thông tư và kể ra hàng loạt ĐKKD vô lý. Trả lời câu hỏi của Luật sư Trần Hữu Huỳnh rằng vì sao ĐKKD “giảm 10 tăng 7” Luật sư Đức cho rằng tất cả những đối tượng có quyền liên quan đều không muốn bỏ, các DN có lợi từ các ĐKKD đó cũng không muốn bỏ. “Ví dụ như quy hoạch ngành nghề công chứng, những anh đang làm công chứng hoàn toàn yên tâm vì không ai len chân được vào các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm…” - ông dẫn chứng.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, người có nhiều năm gắn bó với Luật DN và ĐKKD trăn trở: “Mỗi ngành nghề giảm chỉ giảm đi một tý về thủ tục thôi đã rất tốt cho DN, đấy là chưa kể những ĐKKD dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh...”. Tuy nhiên điều mà Luật sư Huỳnh trăn trở hơn cả là làm sao có được tiếng nói đồng thuận, làm sao rà soát rồi không phải lại … để đó. “Tôi nói về ĐKKD khi tóc còn xanh đến khi tóc bạc. Bây giờ tóc lại nhuộm xanh để tiếp tục nói về ĐKKD…”- Nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI chua chát…