Chống lạm thu đầu năm học - Bài 2: Dư luận, phụ huynh, giáo viên 'lên tiếng'
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 1: Lùm xùm loạt vụ thu quỹ đến cả tỷ đồng
Những khoản phí nhà trường được phép thu
Quy định về các khoản nhà trường được phép thu của học sinh nằm ở nhiều văn bản khác nhau. Theo quy định hiện hành thì nhà trường được phép thu của học sinh một số khoản sau:
- Học phí: Theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, HĐND cấp tỉnh sẽ quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.
- “Bảo hiểm y tế” học sinh: Đây là bảo hiểm bắt buộc, căn cứ vào Khoản 21, Điều 12, Luật BHYT 2008 sửa đổi năm 2012 điểm đ, khoản 1, Điều 7 và điểm c, khoản 1, Điều 8, Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Nhà trường chỉ đóng vai trò thu hộ cho phía Bảo hiểm xã hội.
- Tiền học 2 buổi/ngày: Căn cứ vào Điều 7, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. (Trong đó học sinh Tiểu học: Không quá 100.000 đồng/ học sinh/tháng; Học sinh Trung học cơ sở: Không quá 150.000 đồng/ học sinh/tháng).
- Tiền bán trú: Trong đó tiền ăn sẽ thỏa thuận với cha mẹ học sinh; Chăm sóc bán trú không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng; Trang thiết bị phục vụ bán trú mầm non: Không quá 150.000 đồng/học sinh/năm; Tiểu học, THCS không quá 100.000 đồng/học sinh/năm.
- Tiền quần áo đồng phục: Quần áo thể dục thể thao, phù hiệu (theo quy định tại Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT);
- Tiền viện trợ, tài trợ, quà biếu tặng: Theo quy định tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT và một số khoản thu phục vụ bán trú, nước uống theo thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.
- Học phẩm: Học sinh Mầm non không quá 150.000 đồng/học sinh/năm học.
- Nước uống: Học sinh (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên): Không quá 12.000 đồng/học sinh/tháng.
Bên cạnh những văn bản trên, đầu năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT ở một số địa phương cũng có văn bản chỉ đạo việc thu chi.
Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT quy định 9 khoản tiền được phép thu bao gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; Thu, chi học 2 buổi/ngày; Thu, chi học phẩm; Thu, chi nước uống học sinh; Thu Bảo hiểm y tế học sinh; Thu chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; Thu chi tài trợ; Các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu.
TP HCM cũng quy định 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính và quy định mức trần cho từng nhóm, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.
Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu cũng liệt kê chi tiết các khoản thu sẽ được quy định mức trần thấp nhất 5.000 đồng, cao nhất 100.000 đồng...
Nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh
Về nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, điều này đã được quy định rất rõ tại Điều 6, Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011 Bộ GD&ĐT). Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của Ban đại diện cha mẹ học sinh là phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.
Điểm đáng lưu ý tại Khoản 1, Điều 10, Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011 Bộ GD&ĐT) quy định: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác”. Điều này có nghĩa: Kinh phí mà Ban đại diện cha mẹ học sinh có được đều phải có nguồn gốc “từ sự ủng hộ tự nguyện” hoặc “nguồn tài trợ hợp pháp”.
Về việc quản lý và sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh: Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến;
Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Ngoài ra, theo Điều 3 Nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ (kèm theo Thông tư 16/2018 Bộ GD&ĐT) quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:
- Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;
- Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Nếu như Thông tư 55/2011 quy định kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh thì Thông tư 16/2018 đề cập đến vận động tài trợ cho cơ sở giáo dục gồm chi cho hoạt động giáo dục và cơ sở vật chất.
Để thực hiện việc tài trợ, nhà trường nếu có nhu cầu thì hiệu trưởng phải lập kế hoạch rõ ràng, gồm chi cho hoạt động gì, kinh phí ra sao, vận động thế nào. Sau đó, lãnh đạo trường tiểu học, trung học cơ sở phải trình lên Phòng Giáo dục và Đào tạo để cơ quan này xét duyệt. Còn lãnh đạo trường trung học phổ thông phải trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo để được xem xét.
Sau khi được cơ quan quản lí giáo dục chấp thuận, kế hoạch vận động tài trợ phải được niêm yết công khai tại trường học. Ngoài việc vận động kinh phí của cha mẹ học sinh, các nhà trường phổ thông có thể vận động thêm các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.
Những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu
Cũng theo quy định tại Thông tư 55/2011 của Bộ GD&ĐT, thì ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau đây:
- Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường;
- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;
- Vệ sinh trường, lớp;
- Khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên;
- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Mặc dù đã có quy định rõ ràng, tuy nhiên tình trạng lạm thu, thu các khoản ngoài quy định đang xảy ra tại nhiều cơ sở giáo dục. Đáng chú ý là vấn đề lạm thu dưới danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh. Hiện ban đại diện cha mẹ học sinh đang được thực hiện theo kiểu áp đặt, phân bổ chỉ tiêu trên đầu người, danh nghĩa là tự nguyện nhưng thực chất là bắt buộc.
Thực tế giải trình của phụ huynh, thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh khi có kiểm tra lạm thu cho thấy số đông không nắm được nội dung cốt lõi của Thông tư 55 hay 16. Như vậy, cần đẩy mạnh công tác truyền thông tin về các quy định liên quan đến xã hội giáo giáo dục để những người trong cuộc hiểu và thực hiện đúng quy định.
Ngoài ra, thay vì kỷ luật hay cảnh cáo một giáo viên, một hiệu trưởng khi có phản ánh về lạm thu thì đã đến lúc cần tính toán đến các giải pháp mang tính căn cơ hơn. Đó là thiết lập đầy đủ các quy định, hướng dẫn và thực thi công tác giám sát triệt để việc thu chi các nguồn quỹ từ trường học để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khoa học.
Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin trước đó, chỉ vừa vào năm học 2023-2024 khoảng 1 tháng, trên cả nước đã liên tiếp xảy ra hàng chục vụ lạm thu, có vụ lên đến cả tỷ đồng gây bức xúc trong dư luận.
* Mời Quý độc giả đón đọc: Chống lạm thu đầu năm học - Bài 4: Mô hình ban đại diện phụ huynh các nước