Người dân xung quanh lo lắng
Hàng chục hộ dân liền kề từ số nhà 110 đến 188 phố Nguyễn Thái Học cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, do tác động tiếng ồn, khói bụi và phế liệu tháo dỡ.
Gạch vữa văng đầy cửa sổ |
Bà Hứa Thị Kim đại diện các hộ dân sống tại tổ 12, cụm dân cư số 6, Phường Điện Biên cho biết: Chúng tôi là những hộ liền kề từ tính từ số nhà 110 đến 188 Nguyễn Thái Học, từ ngày công trình được khởi công, người dân chúng tôi không những bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, bụi khói bụi mà còn bị tra tấn bởi những khối gạch vữa phía trên rơi xuống.
Mừng vì công trình được xây dựng xong, nhưng không ngờ mới đây lại bị đập đi, phá dỡ. Điều này càng khiến chúng tôi hoang mang và thấy nguy hiểm hơn, bởi các khối bê tông, gạch vụn rơi xuống mái ngói và cũng có thể rơi trúng đầu, gây thương vong bất cứ lúc nào. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho các hộ dân chúng tôi?
Clip người dân kêu cứu tại dự án 8B Lê Trực:
Cùng chung cảnh ngộ, bà Hứa Thị Năm mong muốn nhà nước sẽ có những cách xử lý nhân văn hơn, sai có thể sửa bằng nhiều cách, chứ không nhất thiết là phải phá đi, dân chúng ta còn quá nghèo, còn rất nhiều các em nhỏ khó khăn, việc phá đi là rất lãng phí. Nên giao cho lực lượng vũ trang, công an, bộ đội… sử dụng phần sai phạm này thì an ninh càng tốt và dân ở cũng yên tâm.
Khách hàng như ngồi trên đống lửa
Nguyên là cán bộ cơ khí xây dựng, ông Vũ Văn Cảnh, khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực cũng bức xúc: Kinh nghiệm từ nhiều năm làm trong ngành xây dựng, tôi chắc chắn việc phá dỡ sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tuổi thọ công trình. Việc cắt ngọn, giật cấp như hiện nay, dù không phải chuyên gia, người ta cũng dễ nhận thấy toàn bộ kết cấu của toà nhà sẽ bị ảnh hưởng. Tôi cũng chỉ là người làm công ăn lương, cả đời tích góp mới mua được căn hộ tại đây. Bây giờ nhà là của dân, chứ không phải chủ đầu tư nữa.
Do vậy, vì quyền lợi người khách hàng, vì quyền lợi người tiêu dùng chúng tôi khẩn thiết đề nghị Nhà nước, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư nên xem xét, đưa ra hướng xử lý nhân văn để quyền lợi người tiêu dùng sẽ được đề cập một cách chính đáng.
Nhiều vết nứt xuất hiện sau khi cưỡng chế phá dỡ |
Gia đình ông Nguyễn Quang Lung và bà Trần Thị Kiệm ( khách hàng mua nhà tại tòa nhà 8B Lê Trực), chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Kiệm lo lắng cho biết: “Khi quyết định mua nhà tại Dự án này, chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng khi thấy tòa nhà đã cơ bản xây xong phần thô, chỉ chờ hoàn thiện và bàn giao là được vào ở.
Vì vậy, tôi đã dồn toàn bộ số tiền tích cóp được, bán cả ngôi nhà đang ở lẫn nhà hương hỏa ở quê để đóng tiền mua nhà, những mong được về sống gần anh em họ hàng. Đùng một cái thấy thông báo sai phạm, đình chỉ thi công và cưỡng chế phá dỡ. Chúng tôi rất bất ngờ và hoang mang.
Theo bà Kệm thì tiền thì đóng đến 90% giá trị căn hộ rồi mà không biết bao giờ mới có nhà để ở. Chưa nói đến việc đập phá, dỡ bỏ đi như thế liệu kết cấu, chất lượng và mỹ quan sẽ bị ảnh hưởng đến mức nào. Thiệt thòi cho những người mua nhà như chúng tôi quá !”.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện phía Ban QLDA Toà nhà 8B Lê Trực cho biết, chưa có phương án phá dỡ mà các lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế như hiện nay là vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi cũng đang kiến nghị lên phía nhà quản lý, các lực lượng chức năng để hạn chế tối đa những thiệt hại cho phía người dân.