- Giá Bitcoin đã tăng phi mã trong năm nay rồi vài phiên gần đây lại rơi rất nhanh. Có lẽ chưa một đồng tiền nào, một loại hàng hoá nào có biên độ tăng và rớt giá tới hàng nghìn đôla như thế. Quan điểm của ông về Bitcoin như thế nào?
- Tôi cho rằng Bitcoin không phải là tiền tệ. Tiền tệ truyền thống, theo tôi phải do ngân hàng trung ương phát hành, nó phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện ràng buộc, ví dụ như việc phát hành tiền đó tạo ra lượng tiền cung ứng phù hợp với chu chuyển hàng hóa tiền tệ như thế nào, cũng như những tác động lạm phát và biến số vĩ mô khác (lãi suất, tỷ giá….) ra sao.
Ông Trương Văn Phước - Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng Bitcoin thuộc về nơi không thể kiểm soát. Ảnh:Anh Tú. |
Bất cứ hàng hóa nào cũng phải tuân thủ quy luật về cung cầu và giá cả. Hiện có nhu cầu đầu cơ lớn về Bitcoin, đó là hiện thực mà chúng ta không thể chối cãi. Đó là cầu, còn về mặt cung, cơ chế nào, tổ chức, cá nhân nào tạo ra nguồn cung đó?
Theo tôi biết, việc tạo ra các Bitcoin thông qua một quá trình đào mà đây là quy trình cực kỳ phức tạp, đòi hỏi các thuật toán, phần mềm mở. Điều đó cho thấy cuộc cách mạng khoa học công nghệ của thế giới đã phát triển rất nhanh, nhưng với thực tiễn của nền kinh tế, xã hội Việt Nam, tôi e rằng rất ít người có thể tiếp cận đến nguồn gốc sâu xa của nguồn cung đó. Và như thế tạo ra một rủi ro vô cùng lớn bởi chúng ta chỉ có một nhu cầu đầu cơ Bitcoin.
- Nhiều người đang nắm giữ Bitcoin và xem nó như một tài sản, có thể mua đi bán lại. Ông thấy sao nếu nhìn nhận Bitcoin ở góc độ một dạng tài sản, như vàng chẳng hạn?
- Nếu xem như một tài sản thông thường, chẳng hạn như thế, thì lại cần có khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh nó. Hiện các quốc gia đang có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Ở những nước phát triển, có trình độ cao, Chính phủ thông qua các cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra lời khuyến cáo, từ đó, công dân của họ đủ thông tin, kiến thức để tự mình đưa ra quyết định nắm giữ hay không, mua hay bán đồng Bitcoin đó. Thế nhưng với Việt Nam, hệ thống pháp luật thực sự chưa hoàn chỉnh, trình độ hiểu biết cả về công nghệ lẫn tài chính của người dân cũng còn nhiều hạn chế. Do đó, theo tôi phải cực kỳ thận trọng.
- Rất nhiều người đang đổ xô đầu cơ Bitcoin. Một sàn giao dịch Bitcoin ở Việt Nam cho biết 3 tháng nay, lượng mua bán liên tục tăng, tháng sau gấp đôi tháng trước. Từng là một "dealer" có kinh nghiệm kinh doanh ngoại hối, nay ở cương vị Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ông nghĩ sao về việc đầu cơ này?
- Như tôi đã nói, kinh doanh phải dựa vào cung cầu, việc tăng đột biến của Bitcoin trong mấy tuần qua và rồi lại đột ngột giảm mạnh cho thấy có gì đó rất bất ổn.
"Bong bóng" Bitcoin có thể vỡ bất cứ lúc nào, ông Trương Văn Phước nói. Ảnh:Đỗ Mạnh Cường. |
Tôi cho rằng khi mua hay bán một sản phẩm, tài sản nào thì phải nhìn thấy nó, dù trực quan hoặc gián tiếp. Còn với Bitcoin, đơn vị đang bảo quản tài sản đó cho bạn là những ai? Những sàn giao dịch đã được cấp phép và hợp lệ hay chưa?
Bitcoin thuộc về nơi không được kiểm soát. Khi sai sót, sự cố xảy ra như giao dịch thất bại, nhà đầu tư bị hack, chủ sàn đóng cửa..., không ai đứng ra bảo vệ chúng ta, nhất là khi tại Việt Nam, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không công nhận nó.
Với kinh nghiệm của mình, tôi thấy hoạt động đầu tư dựa trên tâm lý đám đông rất nguy hiểm, bong bóng đó có thể vỡ bất cứ lúc nào.
Chính vì lẽ đó, thay vì chỉ cấm dùng Bitcoin để thanh toán mà lúc này Chính phủ nên tạm cấm cả việc mua bán Bitcoin. Khuyến nghị này của tôi không phải thể hiện sự quay lưng với hội nhập, với xu thế phát triển của công nghệ mà là vì điều kiện đặc thù của Việt Nam hiện nay, chúng ta cần hết sức thận trọng khi đón nhận nó.
- Nếu Việt Nam cấm hoàn toàn cả việc cất trữ, mua bán Bitcoin thì điều gì sẽ xảy ra và ngược lại. Nếu không cấm thì theo ông rủi ro cho nền kinh tế là gì?
- Bitcoin có thể đang do một nhóm nắm giữ và không loại trừ có hiện tượng làm giá. Sự biến động của giá Bitcoin cũng tạo môi trường cho hoạt động đa cấp, lừa đảo để kêu gọi vốn nảy nở. Giá biến động không vì một thông tin cơ sở nào, không có dữ liệu phân tích.
Nếu bong bóng đó vỡ có thể sẽ gây ra rủi ro lớn. Việt Nam đang mong muốn một nền tài chính ổn định, những cảnh báo lúc này là rất cần thiết. Và cũng đến lúc cơ quan quản lý cần vào cuộc để quản lý các hoạt động mua đi bán lại Bitcoin trên những sàn giao dịch hiện nay.
- Thế nhưng vẫn có một số quốc gia, ngân hàng trung ương có động thái ủng hộ và quan tâm đến Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo tương tự. Ông thấy sao?
- Như tôi đề xuất, Chính phủ nên cấm việc mua bán Bitcoin. Tuy nhiên, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và với những xu hướng của một đồng tiền điện tử tương đối phổ biến, các ngân hàng trung ương cũng đang quan sát, theo dõi chặt chẽ để có phản ứng chính sách kịp thời.
Bitcoin có thể không được chấp nhận nhưng một khi công nghệ phát triển thì sẽ có một Bitcoin dưới dạng hình thái khác phù hợp hơn, khắc phục các nhược điểm hiện nay. Do đó, dù đưa ra khuyến nghị tạm thời cấm, tôi nghĩ các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam cần quan sát kỹ các diễn biến này.