Nợ xấu giảm nhưng vẫn… xấu
Theo nhận định của NFSC, năm 2017, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tương đối ổn định, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm tuy chưa như kỳ vọng. Tín dụng ước tăng khoảng 18.7%- 19,3% (năm 2016 là 19%), góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, theo NFSC, tín dụng trung và dài hạn đã có xu hướng giảm sau khi tăng liên tục giai đoạn 2013- 2016 (Tín dụng trung hạn chiếm 53,7% tổng tín dụng khi năm 2016 con số này là 55,1%); Tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm nhẹ (tăng 12,2% so với năm 2016, chiếm 15,8% trong tổng tín dụng trong khi năm 2016 là 17,1%). Tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh theo đà tăng trưởng từ cuối năm 2015 (tăng 65% trong khi năm 2016 là 50,2%; Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng tăng từ 12,3% năm 2016 lên 18% năm 2017)
Theo tính toán của NFSC, nợ xấu ngân hàng trong năm 2017 khoảng 9,5%, chủ yếu tập trung ở các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém, trong diện tái cơ cấu, các khoản phải thu bên ngoài khó đòi và nợ tái cơ cấu lại của một số NHTM.
Tỷ lệ nợ xấu này khiến không ít người “giật mình” vì cao hơn gấp ba lần con số “dưới 3%” mà NHNN báo cáo là “nợ xấu nội bảng”, nhưng theo NFSC, con số này đã giảm mạnh từ con số 11,5% hồi cuối năm 2016. “Chất lượng tài sản hệ thống TCTD cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu DN và các khoản phải thu khó đòi bên ngoài giảm”, ông Nguyễn Văn Thuỳ - Phó trưởng ban phụ trách Ban giám sát tổng hợp (NFSC) phân tích.
Cũng theo báo cáo của NFSC, năm 2017, quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD đã được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Các TCTD hạn chế chuyển nợ sang VAMC, xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng và các hình thức khác được đẩy mạnh hơn. Tính cả năm, ngành ngân hàng đã xử lý được 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Trong đó, thu nợ từ khách hàng chiếm 54%, sử dụng dự phòng rủi ro tin dụng (DPRRTD) chiếm 42,3%, phát mãi tài sản chiếm 2,3%.
“Tuy nhiên kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế; quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua 0 đồng chậm…”- Báo các của NFSC nhận định.
Về lượng trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng năm 2017, theo NFSC, tăng 24,7% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ DPRRTD trên tổng nợ xấu theo các ngân hàng báo cáo là 65,8%.
Khả năng sinh lời cải thiện mạnh
Theo nhận định của NFSC, năm 2017 kết quả hoạt động kinh doanh của các TCTD khả quan, lợi nhuận sau thuế ước tăng 44,5% so với năm 2016. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE cao hơn năm trước, ước đạt 0,69^ và 10,2% so với 0,56% và 8,05% của năm 2016.
Cũng theo NFSC, so với một số quốc gia Châu Á giai đoạn 2012- 2017, hiệu suất sinh lời của hệ thống TCTD Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh, trong khi hầu như các nước chỉ cải thiện nhẹ hoặc tiếp tục xu hướng giảm từ 2012.
Phân tích của NFSC cho thấy, thu nhập từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các TCTD do tín dụng tăng tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm. Cụ thể lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 33,1% so với năm 2016, chiếm 79,1% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh (năm 2016 chiểm 76,4%); Các hoạt động kinh doanh khác đạt kết quả tương đối khả quan (Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 3,4 lần; thu nhập thuần từ dịch vụ tăng 34,7%..)
Đáng chú ý, chi phí hoạt động của các TCTD năm 2017 tuy tăng 17,2% (năm 2016 tăng 14,8%) nhưng tỷ lệ chi phí hoạt động so với tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh giảm so với năm 2016, ở mức 44,8% (năm 2016 là 49,4%)
Lợi nhuận trước trích DPRRTD ước tăng 30,9% so với năm 2016. Chi phí DPRRTD tăng 20,2% so với năm 2016; tỷ lệ chi phí DPRRTD so với lợi nhuận trước trích lập là 53,6% (năm 2016 là 58,2%)
Theo nhận định của NFSC, năm 2018, dự báo lợi nhuận của hệ thống TCTD có nhiều khả quan do tín dụng giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định như năm 2017; nợ xấu được kỳ vọng xử lý nhanh hơn và tăng thu nhập cho các TCTD thông qua nhập dự phòng nợ xấu. Do đó các TCTD có thêm dư địa hạ lãi suất cho vay…
Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thổng đốc NHNN, nguyên Chủ tịch NFSC đặt vấn đề: “Đúng là hệ thống đang cải thiện tốt lên nhưng trước những biến động trong nước và ngoài nước thì có đủ sức chịu đựng và chịu đứng đến khi nào?” . Theo ông, hệ số an toàn vốn hiện vẫn thấp, nếu tính đủ thì NHTM quốc doanh cũng không đủ vốn , nếu đảm bảo an toàn vốn thì phải nhiều hơn.
Liên quan đến lãi suất, ông Thúy cũng đồng tình cho rằng lãi suất chưa giảm được bao nhiêu (lĩnh vực ưu tiên giảm 0,6-1% nhưng những lĩnh vực khác lãi suất thậm chí còn tăng), và đề nghị hãy để thị trường vận hành những cái thị trường có thể. “Trần lãi suất nay đã bỏ nhưng còn trần huy động từ 6 tháng trở uống, có cần thiết không, xem có lợi gì hại gì?””- Ông gợi ý…