Thương hiệu tốt, quản lý tốt, bán hàng tốt hơn
Cũng chẳng phải ngẫu nhiêu các bất động sản hạng sang, cao cấp gắn với những thương hiệu quản lý nổi tiếng lại được đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Bởi bất động sản vốn là một tài sản có giá trị lớn, người đầu tư hay người mua nhà ở có nhu cầu thực luôn mong muốn tìm đến những nhà cung cấp uy tín, được nhiều người thừa nhận trên thị trường, để tránh những rủi ro trong quá trình ở hay cho thuê.
Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao người mua lại thích mua nhà ở chung cư này mà không mua nhà ở chung cư kia, hay tại sao họ lại chỉ thích mua của những chủ đầu tư này mà không mua của các chủ đầu tư khác?
Câu trả lời chủ yếu chính là sự khác biệt về thương hiệu, về cách vận hành quản lý được tạo ra theo những cách khác nhau của từng doanh nghiệp, từng chủ đầu tư. Tất yếu, một bất động sản có thương hiệu cao, sẽ có giá trị cao và bán được hàng tốt hơn với dự án thông thường và ngược lại, một thương hiệu giá trị thấp sẽ chỉ bán được hàng với mức giá thấp hơn nếu muốn cạnh tranh về số lượng.
Bên cạnh đó, khi có thương hiệu độc quyền, dự án này cũng được ví như một sản phẩm hàng hiệu chỉ dành cho những đại gia, giới thượng lưu. Bởi những khách hàng này sẵn sàng trả mức giá cao cho các sản phẩm mang giá trị thương hiệu và trung thành với thương hiệu bởi uy tín, danh tiếng.
Thực tế cũng cho thấy, những khu đô thị đáng sống thường rất ít tranh chấp và có được cộng đồng cư dân văn minh đều thuộc về các chủ đầu tư có thương hiệu mạnh như Vingroup, Sun Group, Văn Phú - Invest, Đất Xanh Group, Novaland…, do những dự án của những chủ đầu tư này được đầu tư chuẩn mực, bài bản ngay từ đầu về chất lượng.
Cùng với đó, các căn hộ có thương hiệu thường được định giá cao hơn 35% so với một sản phẩm không có thương hiệu tương đương ở vùng lân cận. Tỷ lệ chênh lệch này thay đổi đáng kể theo vị trí, thương hiệu và nhà điều hành.
Điều đó cũng cho thấy, thương hiệu không chỉ là tấm áo choàng được thêu dệt hoa mỹ bề ngoài mà phải là giá trị thực của từng dự án, thể hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết trước khách hàng, từ chất lượng, tiến độ đến các dịch vụ vận hành trong quá trình đưa vào sử dụng
Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp trực tiếp tham gia thị trường bất động sản, giám đốc một doanh nghiệp cho biết: “Phải thừa nhận rằng, việc xây dựng được thương hiệu cao cấp với chất lượng uy tín chính là yếu tố nâng tầm cho doanh nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh sản phẩm cho doanh nghiệp không chỉ với đối thủ trong nước mà còn cả đối thủ là doanh nghiệp nước ngoài.
Thương hiệu không chỉ là tấm áo choàng được thêu dệt hoa mỹ bề ngoài mà phải là giá trị thực của từng dự án, thể hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết trước khách hàng. (Ảnh minh họa) |
Sự phát triển của bất động sản gắn với thương hiệu tại Việt Nam
Dữ liệu mới đây của Savills cho thấy Việt Nam thuộc nhóm 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng tốt trong lĩnh vực bất động sản hàng hiệu trên thế giới. Bởi Việt Nam đang nổi lên là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng phát triển và được đánh giá chạm tới nhiều nhu cầu của thị trường quốc tế. Hơn nữa, Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng tưởng của nhóm người giàu trong nước.
Cụ thể, báo cáo từ Knight Frank cho biết, tính đến hết năm 2019, Việt Nam có 458 người siêu giàu, tăng 7% so với năm 2018. Số người có tài sản trên 1 triệu USD là 25.737 người, tăng 12% so với năm trước đó. Đến năm 2024, Việt Nam sẽ có 753 người siêu giàu và 42.324 người giàu, tăng lần lượt 430% và 273% so với năm 2014. Xét về tốc độ tăng trưởng của nhóm người siêu giàu trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới, Việt Nam đứng thứ 3, chỉ sau Ấn Độ và Ai Cập, với mức tăng trưởng 64%. Với tốc độ này, nhu cầu phát triển mô hình bất động sản cao cấp thương hiệu độc quyền sẽ vì thế càng mở rộng
Về bản chất, sản phẩm bất động sản hàng hiệu là sản phẩm kết hợp giữa một đơn vị phát triển bất động sản với một đơn vị có thương hiệu tốt về dịch vụ quản lý, thiết kế.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Tâm lý mua nhà tại thị trường Việt Nam cũng tương tự nhiều thị trường khác trên thế giới. Đó là nhà đầu tư tìm kiếm sản phẩm có chất lượng xây dựng tốt, được quản lý vận hành chuyên nghiệp và khả năng thương mại hóa tốt, từ đó sản phẩm có thể mang lại lợi ích kinh tế hấp dẫn cho chủ sở hữu. Vậy nên, cho dù loại hình sản phẩm là khách sạn, bất động sản nhà ở cho thuê hoặc để ở thì họ vẫn luôn tìm kiếm một dự án có thương hiệu với chất lượng cao.
Thị trường Việt Nam đang tìm kiếm những thương hiệu nhà ở cao cấp như vậy. Những thương hiệu lớn mang lại cho người mua sự yên tâm nhất định về thiết kế và chất lượng quản lý. Bởi vậy, trong thời gian tới, các thương hiệu lớn này sẽ được biết đến nhiều hơn, thị trường sẽ có những phản ứng tích cực đối với loại hình sản phẩm này”.
Ông Matthew Powell cũng cho hay, thông thường khi nhắc đến định nghĩa bất động sản hàng hiệu, mọi người có xu hướng nghĩ tới các bất động sản nghỉ dưỡng nhiều hơn, tuy nhiên hơn 60% bất động sản hàng hiệu trên thế giới lại tập trung ở các đô thị hiện đại. Thị trường TP.HCM và Hà Nội cũng đang có kế hoạch phát triển loại hình sản phẩm nhà ở này trong tương lai gần.
Vị chuyên gia này nhận định: “Xu hướng của tương lai, các doanh nghiệp sẽ mang tới cho thị trường nhiều loại hình nhà ở gắn với các thương hiệu nổi tiếng. Chúng tôi rất kỳ vọng về sự phát triển của phân khúc bất động sản có chất lượng này”.
Về giá của bất động sản, ông cho rằng luôn có sự khác biệt rất lớn giữa giá cả và giá trị. Có nhiều người không thể chi trả cho các sản phẩm bất động sản cao cấp, bởi những sản phẩm này thường có thiết kế cao cấp, chất lượng dịch vụ cao hơn, vận hành quản lý tốt hơn, mang tới trải nghiệm hoàn toàn đáng giá. Đây cũng chính là điều dẫn đến sự khác biệt nằm ở giá thành sản phẩm. Giá thành của loại hình bất động sản này tại Hà Nội được cho là khá cao, nhưng vẫn thấp hơn so với các sản phẩm tương tự của những thương hiệu khác trên thế giới, hoặc thậm chí là các thương hiệu tại TP.HCM.
Khảo sát về thị trường nhà ở của Savills còn cho thấy, dưới tác động của đại dịch Covid-19, 1/3 thị trường toàn cầu ghi nhận nhu cầu đang lên của các khách hàng muốn mua bất động sản có diện tích lớn hơn bất động sản họ đang ở, với yêu cầu linh động giữa không gian riêng và không gian chia sẻ.
Không gian linh động là mối quan tâm lớn của nhóm khách hàng này, có thể hiểu là thêm phòng ngủ, thêm phòng làm việc tại nhà hoặc thêm không gian dành cho hoạt động thể thao và sống khỏe. Các không gian sân vườn, ban công rộng rãi, sự xuất hiện của thang máy riêng, hệ thống lọc không khí cũng là những điểm khác biệt rất được quan tâm.
Trong báo cáo Phát triển toàn cầu năm 2020, nhà tư vấn bất động sản Knight Frank nhận định, các dự án nhà ở có thương hiệu đã trở nên phổ biến khắp nơi trên thế giới trong suốt 20 năm qua và Covid-19 đã làm nổi bật lên những lợi thế của loại hình nhà ở này.
Nhờ vào những dịch vụ chăm sóc nhà cửa chu đáo đến các quy trình bảo trì nghiêm ngặt do những thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới đảm nhiệm, nhiều người đã biến căn nhà hàng hiệu của mình thành văn phòng làm việc khi phải ở nhà để tránh dịch.
Theo ông Alexander Lewis, chuyên gia của Knight Frank, đại dịch đã mang lại cho những khu nhà có thương hiệu một cơ hội lớn để tỏa sáng. Ngoài những vị trí đắc địa, biệt lập, "nhà hàng hiệu" đã trở thành nơi làm việc phù hợp khi gia chủ phải hạn chế ra ngoài và tiếp xúc nhiều người./.