Vấn đề "sạn" sách giáo khoa tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội

(PLM) -  Sáng và chiều ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về nhiều nhóm vấn đề liên quan đến giáo dục, trong đó vấn đề chất lượng sách giáo khoa (SGK) được các đại biểu rất quan tâm. 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn trong phiên trả lời chất vấn ngày 11/11
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn trong phiên trả lời chất vấn ngày 11/11

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 11/11, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Bộ trưởng GDĐT đưa ra ý kiến, cũng như giải pháp khắc phục những nội dung thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong sách giáo khoa Tiếng Việt, Khoa học Tự nhiên viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời, khi có các ý kiến về SGK, Hội đồng chuyên môn đã trao đổi với các đơn vị, tác giả kịp thời điều chỉnh, sửa chữa nội dung trước khi đến tay học sinh. "Về lâu dài Bộ đang điều chỉnh về quy trình, điều kiện để đảm bảo sách giáo khoa có chất lượng ngày càng cao hơn", ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Huế, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu chất vấn

Tranh luận về câu trả lời trên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, phần trả lời này chưa thuyết phục. Theo bà, sách giáo khoa sai, có "sạn" thì học sinh đã mua, đã học. Vì thế dư luận đang trông chờ sự giải quyết dứt điểm, kịp thời, minh bạch của Bộ. Theo bà, cần có sự trả lời trước công luận càng sớm càng tốt. Tập thể tác giả và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục.

Bộ GDĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập. Trách nhiệm thứ hai thuộc về cơ quan tham mưu của Bộ. Thứ ba, là trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GDĐT khi sách giáo khoa có "sạn". "Dù việc phê duyệt sách giáo khoa là của nhiệm kỳ trước nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước là xuyên suốt. Lãnh đạo Bộ cần chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và tập thể tác giả SGK nói trên giải trình trước công luận. Nếu có sai sót thì lãnh đạo Bộ phải chỉ đạo sữa chữa, khắc phục, xử lý theo thẩm quyền", đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, đoàn ĐBQH Đà Nẵng phát biểu tranh luận

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, đoàn ĐBQH Đà Nẵng phát biểu tranh luận

Tiếp nhận ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hứa sẽ có những chỉ đạo cụ thể trong thời gian sắp tới.

Tiếp tục với chủ đề sai sót trong sách giáo khoa, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương), muốn "Bộ trưởng nói rõ hơn về vấn đề có đại biểu đã nêu nhưng Bộ trưởng trả lời cũng chưa hết ý, về SGK". "Nhiều cử tri cho rằng SGK hiện nay vẫn còn rất nhiều lỗi và sạn. Ý kiến Bộ trưởng thế nào? Có thấy ý kiến đó là đúng không? Nếu đúng thì Bộ trưởng đã và sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này và nâng cao chất lượng SGK?", đại biểu đoàn Bình Dương liên tiếp chất vấn.

Trả lời đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) cũng về vấn đề SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết cái có thể nói lúc này là làm gì để tăng cường chất lượng SGK sắp tới. SGK phụ thuộc nhiều yếu tố như người biên soạn, quy trình biên soạn, thẩm định dạy mẫu, lấy ý kiến đóng góp.

Hiện nay, Bộ GDĐT đang ráo riết sửa đổi Thông tư 33 – thông tư quan trọng về quy trình biên soạn, thẩm định xuất bản SGK. Trong đó, chủ trương là không đợi các nhóm tác giả, các NXB mang các bộ SGK đến thì tổ chức thẩm định mà Bộ sẽ giám sát, đồng hành ngay từ đầu. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tuy là xã hội hóa nhưng quan điểm của Bộ GDĐT là không chỉ phó thác cho các NXB và nhóm tác giả.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cũng có ý kiến tranh luận. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chất vấn: “Bộ trưởng khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới là đúng hướng, là tốt. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả chương trình thì bắt buộc phải qua SGK, nhưng SGK trong 2 năm qua đưa vào áp dụng đại trà mới chỉ từ quy trình rút gọn, chỉ dạy thử nghiệm 10% số tiết học không dựa trên phạm vi hẹp như SGK trước đây. Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai SGK mới trong thời gian vừa qua?”.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn ĐBQH Bình Định cũng có ý kiến tranh luận về vấn đề SGK

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đoàn ĐBQH Bình Định cũng có ý kiến tranh luận về vấn đề SGK

Trả lời phần chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, SGK đang biên soạn và sử dụng để phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. So với SGK trong chương trình cũ trước đây, SGK mới có sự khác nhau về tính chất và về cách thức sử dụng.

“Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tính chất là chỗ dựa và là yêu cầu để kiểm tra, đánh giá. SGK hiện được xem là học liệu và là một căn cứ để có thể xã hội hóa và triển khai được nhiều bộ sách khác nhau. Theo quan điểm của Bộ GDĐT, bất kỳ tài liệu nào dù là học liệu được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt đến chuẩn mực, có tính sư phạm và tính khoa học. SGK là tài liệu thì việc thực nghiệm thiên về đánh giá giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao để thực hiện chương trình. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng. Còn về mặt khoa học, đúng sai thì trách nhiệm thuộc về Hội đồng thẩm định Quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu là rất quan trọng và Bộ GDĐT sẽ xem xét để hoàn thiện Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định xuất bản SGK.