E-MAGAZINE: Ủng hộ nữ quyền là 'chống lại nam giới'?

(PLM) - Bình đẳng giới hay còn được xem là chủ nghĩa nữ quyền đã trở thành một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững do Đại hội đồng Liên hợp quốc đề ra với mục tiêu đạt được vào năm 2030. Trong khi các mục tiêu khác đã được thống nhất như chấm dứt nạn đói trên thế giới, đảm bảo nền giáo dục chất lượng,... thì chủ nghĩa nữ quyền vẫn còn đã và đang gây tranh cãi.
E-MAGAZINE: Ủng hộ nữ quyền là 'chống lại nam giới'?

Hiểu lầm về nữ quyền

Một trong những hiểu lầm lớn nhất về chủ nghĩa nữ quyền là nó "chống lại nam giới". Điều này được chứng minh qua cuộc khảo sát “Tỷ lệ người Mĩ cho thấy mình là người theo chủ nghĩa nữ quyền” của Survey Center on American Life vào năm 2023.

Nguồn: Survey Center on American Life, 2023
Nguồn: Survey Center on American Life, 2023

Khảo sát cho thấy chỉ có 43% Gen Z giới tính nam cho rằng, mình là người theo chủ nghĩa nữ quyền, trong khi số liệu này ở Gen Z nữ là 61%. Điều này hoàn toàn trái ngược với thế hệ trước: Gen Millennials (nhóm nhân khẩu học sinh từ năm 1980 đến giữa thập niên 1990 – đầu thập niên 2000). Những người đàn ông ở thế hệ này muốn rũ bỏ lớp áo nam tính truyền thống và ủng hộ việc thúc đẩy bình đẳng giới, bởi vậy tỷ lệ phần trăm người ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền ở họ là 52%, cũng tương đương với tỷ lệ của nữ giới Gen Millennials.

Sự gia tăng phản đối chủ nghĩa nữ quyền trong giới Gen Z nam phần lớn là do sự hiểu lầm về bản chất của phong trào này. Khi xuất hiện một số người lợi dụng nữ quyền để thúc đẩy các mục tiêu cá nhân, cùng với sự lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, đã khiến nhiều nam thanh niên cảm thấy bị đối xử bất công. Điều này dẫn đến những thái độ tiêu cực và làm cản trở quá trình xây dựng một xã hội bình đẳng.

Trên thực tế, chủ nghĩa nữ quyền cốt lõi là một phong trào đấu tranh cho bình đẳng giới, chứ không phải sự áp đảo của phụ nữ. Mục tiêu của nữ quyền là xây dựng một xã hội bình đẳng, nơi mọi cá nhân, bất kể giới tính nào, đều có cơ hội phát triển và thực hiện các quyền của mình. Nó không phải là một giới tính sẽ thống trị giới tính khác, mà là hợp tác để loại bỏ những bất bình đẳng cho tất cả mọi người.

Nhằm đưa ra giải pháp cho những định kiến về nữ quyền, TS. Trần Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Giới và phát triển - Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ: “Những văn hoá từ hàng nghìn năm trước đã tạo ra những khuôn mẫu cho mỗi giới, có những khuôn mẫu mang lại giá trị tích cực, nhưng cũng có khuôn mẫu thì ngược lại. Điển hình là ở nam giới hình thành tính gia trưởng, quan điểm trọng nam khinh nữ, hay đối với nữ giới thì bị đóng khung cho sự nhẫn nhịn, chịu đựng, hay là sự ‘độc quyền’ trong các lĩnh vực nội trợ. Đây là nguyên nhân dẫn tới các định kiến cực đoan. Muốn thay đổi, phải đi từ mặt nhận thức, từ đó mỗi con người mới định hướng được hành động của mình. Đó là các công tác truyền thông, tuyên truyền để nâng cao hiểu biết toàn diện nhằm định hướng hành động của mỗi con người. Trên thế giới đã có rất nhiều phong trào như vậy, có thể kể đến Làn sóng nữ quyền đầu tiên ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hay sự ra đời ngày 8/3 - Ngày Quốc tế Phụ nữ, để khẳng định vị trí của nữ giới quan trọng trong xã hội cũng như toàn thế giới.”

Có cần thiết phải tiếp tục đấu tranh…

Quan điểm cho rằng "bây giờ đã bình đẳng rồi" không chỉ đơn giản hóa vấn đề mà còn làm cản trở quá trình đấu tranh vì bình đẳng giới. Thực tế, những con số thống kê và các nghiên cứu xã hội học đã chứng minh rằng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa.

Theo nghiên cứu mới nhất trên 39 quốc gia của WIN (The Worldwide Independent Network of MR), sự phát triển về bình đẳng giới trên toàn cầu đang rất đáng lo ngại:

  • 46% phụ nữ trên toàn cầu cảm thấy không an toàn khi đi bộ một mình vào ban đêm trong khu phố của họ

  • 20% phụ nữ trên toàn cầu phải chịu bạo lực (+4% so với năm 2019)

  • 19% phụ nữ trong độ tuổi 18-24 đã từng là nạn nhân của quấy rối tình dục

  • 44% dân số toàn cầu vẫn tin rằng phụ nữ có ít cơ hội việc làm hơn nam giới

Theo Báo cáo Mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 của UN DESA:

  • Khoảng 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động không được hưởng cơ hội kinh tế bình đẳng như nam giới.

  • 178 quốc gia duy trì các rào cản pháp lý ngăn cản phụ nữ tham gia đầy đủ vào nền kinh tế.

  • Với tốc độ hiện tại, ước tính sẽ mất 300 năm để chấm dứt nạn tảo hôn, 286 năm để thu hẹp khoảng cách trong bảo vệ pháp lý và xóa bỏ luật phân biệt đối xử, 140 năm để phụ nữ được đại diện bình đẳng ở các vị trí quyền lực và lãnh đạo tại nơi làm việc, và 47 năm để đạt được sự đại diện bình đẳng trong các quốc hội quốc gia.

    Điều đáng chú ý không chỉ là tình trạng bất bình đẳng giới nghiêm trọng, mà còn là niềm tin sai lầm của 36% nam giới rằng: hiện nay đã đạt được bình đẳng giới. Điều này đặt ra câu hỏi làm thế nào nam giới có thể tăng cường tham gia vào các hoạt động nhằm nâng cao bình đẳng giới cho toàn xã hội.

    Tại Việt Nam

    Báo cáo nghiên cứu "Giới và thị trường lao động Việt Nam" công bố năm 2021 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ tham gia thị trường lao động của phụ nữ Việt Nam cao đáng kể so với toàn cầu và khu vực.

    Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế, 2021

    Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế, 2021

    Tuy nhiên, chất lượng việc làm của họ lại tương đối kém khi báo cáo cũng chỉ ra rằng phụ nữ chiếm đa số trong nhóm lao động phi chính thức đặc biệt thiệt thòi, đó chính là lao động gia đình - những công việc này thường không nhận được các khoản lương cho công việc mà họ đã thực hiện theo thỏa thuận.

    Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế, 2021

    Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế, 2021

    Không chỉ thế, một điều đặc biệt đáng lưu ý ở Việt Nam là sự mất cân bằng giữa mức độ tham gia thị trường lao động của nữ giới và tỷ trọng các vị trí lãnh đạo mà họ đảm nhiệm.

    Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế, 2021

    Nguồn: Tổ chức Lao động Quốc tế, 2021

    Ngoài ra, phụ nữ Việt Nam đang đối mặt với “gánh nặng kép”. Họ phải cáng đáng cả những việc không công như việc nhà và chăm sóc con cái. Do đó, nếu tính cả công việc được trả lương và không công thì trong suốt cuộc đời, quãng thời gian làm việc của nữ giới dài hơn nam giới 4 năm. Tỷ lệ trầm cảm sau sinh cao ở Việt Nam (33%) phần lớn là do áp lực chăm sóc con cái và thiếu sự chia sẻ công việc gia đình.

    Do tâm lý trọng nam khinh nữ, chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam còn rất cao, 112 bé trai trên 100 bé gái, trong khi tỷ số tự nhiên chỉ khoảng 105/100 (theo Tổng cục Thống kê). Các chuyên gia lo ngại, nếu tỉ lệ này tiếp tục gia tăng và ngày càng lan rộng như hiện nay thì vấn đề về mất cân bằng giới của Việt Nam trong 20-25 năm sau sẽ rất nghiêm trọng.

    Cuối cùng, việc ủng hộ nữ quyền không phải là một cuộc chiến, mà là một hành trình hướng tới một xã hội công bằng hơn. Bằng cách thay đổi suy nghĩ và hành động của mình, mỗi chúng ta đều có thể góp phần tạo ra một thế giới mà ở đó, phụ nữ và nam giới đều được tôn trọng và có cơ hội phát triển.