Tại sao cần phải đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông?

(PLM) - Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, các thành tựu về kinh tế của nước ta chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hoá, xã hội còn có nhiều hạn chế, chưa hội đủ các nhân tố để phát triển nhanh và bền vững.
Tại sao cần phải đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông?

Tính tất yếu phải đổi mới Chương trình Giáo dục Phổ thông

Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, các thành tựu về kinh tế của nước ta chưa vững chắc, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, môi trường văn hoá, xã hội còn có nhiều hạn chế, chưa hội đủ các nhân tố để phát triển nhanh và bền vững.

Một trong số những nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tình trạng học chỉ để thi khiến cho nhiều học sinh xa rời thực tế cuộc sống, thậm chí không biết tự chăm sóc bản thân, không biết làm việc nhà và rất ngại lao động. Tình trạng đó đang làm lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của gia đình, xã hội và bản thân người học mà không tạo ra được lớp người có đủ năng lực để trở thành lực lượng lao động góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 29 chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88 quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”

Những tiến bộ vượt trội của CT GDPT 2018

Khác với những CT GDPT trước đây đều thể hiện mục đích học để “biết”, mục đích học tập ở CT GDPT 2018 không phải chỉ để biết mà chủ yếu là để “làm”. Đó là một cách nói ngắn gọn nhưng bao trùm tất cả những điểm đổi mới toàn diện và triệt để GDPT được thể hiện trong CT GDPT 2018. Học để “hành” được những điều đã học không chỉ thể hiện tư tưởng “Thực học, thực nghiệp” của Nghị quyết 29 mà còn là mục đích tối thượng của việc học từ nghìn xưa đến nay và là một trong 4 trụ cột của giáo dục hiện đại được UNESCO công bố năm 1996.

Kỳ thi THPT Quốc gia

Kỳ thi THPT Quốc gia

Nói cách khác, mục đích giáo dục ở CT GDPT 2018 là phát triển tiềm năng ở học sinh, tức là hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của họ. Chính vì thế, Chương trình tổng thể và các chương trình môn học/hoạt động giáo dục đều quy định yêu cầu cần đạt (mục tiêu) về phẩm chất, năng lực cuối mỗi cấp học và cuối bậc học phổ thông. Trong đó, các yêu cầu cần đạt về phẩm chất được xây dựng dựa trên các Nghị quyết của Trung ương ([i]) về xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam; các năng lực chung và năng lực đặc thù được xây dựng có tham khảo các chuẩn năng lực do các tổ chức quốc tế ([ii]) công bố và thể hiện ở CT GDPT của các nước tiên tiến.

Để hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, CT GDPT 2018 đã trả lại thực chất cho việc dạy học là dạy học đúng đối tượng, dạy trong hoạt động để người học tự chiếm lĩnh những điều đã học, biến chúng thành năng lực của mình. Tức là “hành” được những điều đã học.

Đặc điểm thứ hai tạo nên sự khác biệt so với các chương trình trước đây là tính mở của Chương trình GDPT 2018. Đây là sự thể hiện tư tưởng “Dân chủ” của Nghị quyết 29. CT GDPT 2018 bảo đảm quyền tham gia xây dựng nội dung giáo dục của địa phương, quyền chủ động của cơ sở và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, chủ động về thời lượng dạy học cho các bài cụ thể. Đây là điểm tiến bộ, phù hợp với điều kiện dạy học và các đối tượng học sinh khác nhau.

CT mới cũng không quy định cứng chi tiết nội dung học mà dành quyền chủ động, sáng tạo về lựa chọn và trình bày nội dung học cho tác giả SGK và giáo viên theo chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết 88: “Thực hiện xã hội hoá biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”. Đây là một điểm mới, hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, đã được áp dụng từ rất lâu ở các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới.

Xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa

Xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa

Tính mở của CTGDPT 2018 còn thể hiện ở việc dành quyền lựa chọn nội dung giáo dục cho học sinh với mức độ tăng dần theo từng cấp học, từng giai đoạn học tập, đáp ứng yêu cầu giáo dục phân hoá, phù hợp với sở trường, nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục. Ví dụ, ở cấp Tiểu học, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 nhưng đối với những nơi có điều kiện và học sinh có nhu cầu thì có thể dạy Ngoại ngữ từ lớp 1 như một môn học tự chọn. Ở cấp Trung học phổ thông, lần đầu tiên có các môn Âm nhạc, Mỹ thuật (bao gồm cả nội dung thiết kế đồ hoạ, thiết kế công nghiệp, thiết kế thời trang, thiết kế mỹ thuật sân khấu – điện ảnh,...), trước hết thực hiện ở các trường có đủ giáo viên và điều kiện học tập nhằm đáp ứng yêu cầu của những học sinh có định hướng theo học các ngành nghệ thuật.

Chương trình đã phân định rõ hai giai đoạn giáo dục: 1) giai đoạn GDPT cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) giúp người học hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực không thể thiếu để sống và phát triển phù hợp với thời đại trong khoảng thời gian tồn tại của CT GDPT 2018, và 2) giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12) giúp người học tiếp tục phát triển phẩm chất, năng lực đồng thời có được những định hướng ngành nghề cho tương lai. Khác với chương trình cũ, CTGDPT 2018 ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp không tổ chức phân ban cứng theo các khối thi đại học mà tổ chức dạy học phân hóa trên cơ sở tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh, đồng thời phù hợp với điều kiện của nhà trường.Có thể nói đây là lần đầu tiên, CT GDPT đã quan tâm đến thiên hướng của từng cá nhân người học và tạo điều kiện để mỗi học sinh có thể lựa chọn môn học phù hợp với tư chất và thiên hướng cá nhân, tập trung phát triển tư chất thành năng lực nghề nghiệp tương lai. Khi mỗi cá nhân được phát triển đúng mức theo tư chất và thiên hướng của mình thì xã hội sẽ có nhiều cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau. Càng nhiều cá nhân xuất sắc thì xã hội càng phát triển thịnh vượng.

Nói tóm lại, CTGDPT 2018 có rất nhiều điểm mới. Nhưng ai cũng biết rằng, để thực hiện thành công chương trình, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ, chính quyền, sự đồng thuận của xã hội; đặc biệt là quyết tâm đổi mới của toàn ngành Giáo dục, trước hết là các nhà quản lý giáo dục vì từ trước đến nay, chúng ta quen với việc chỉ đạo dạy học, thi cử theo SGK, nay chỉ đạo theo chương trình là hoàn toàn mới, đòi hỏi rất nhiều thay đổi về nhận thức và hành động.

[i] Nghị quyết 5/ TW khóa VIII (1998); Nghị quyết 33/ TW khóa XI (2014); 5 điều Bác Hồ dạy học sinh.

[ii] The Definition and Selection of Key Competencies (OECD, 2005); Key Competencies for Lifelong Learning - A European Reference Framework (EU, 2006); New Vision for Education: Unlocking the Potential of Technology (WEF, 2015).