Mỗi sách viết một kiểu, khác với sách cũ
“Bình Ngô đại cáo” được xem như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, đây là một văn bản quan trọng, cần có sự chính xác tuyệt đối về mặt nội dung khi giới thiệu đến các em học sinh. Vậy nhưng, vẫn có những sự khác nhau đáng kể giữa các bộ SGK về tác phẩm này.
Cụ thể, trong SGK Ngữ Văn lớp 10 tập II, bộ Chân trời sáng tạo (Chủ biên Nguyễn Thành Thi) của NXB Giáo dục Việt Nam, trang 29 có sự không thống nhất khi dùng danh xưng danh nhân Nguyễn Trãi. Theo đó, trên đầu trang sách, người viết sử dụng “tác giả” nhưng trong phần nội dung chính lại ghi là “tác gia”.
Cùng một trang sách, phía trên ghi “tác giả”, dưới viết “tác gia”. |
Trong từ điển tiếng Việt có giải thích “tác gia” là tác giả lớn, có tác phẩm gây ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. Với tầm vóc của Nguyễn Trãi cùng số lượng sáng tác đồ xộ, ông xứng tác được coi là tác gia của nền văn học Việt Nam từ cổ chí kim. Vì vậy, trong trường hợp này cần điều chỉnh lại danh xưng của Nguyễn Trãi cho hợp lý hơn.
Ngoài ra, trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” bộ Chân trời sáng tạo còn gặp lỗi dùng từ chưa chuẩn xác. Trong câu “Ai bảo thần nhân chịu được?” bị chuyển thành “Ai bảo thần dân chịu được?”. Vốn câu này trong SGK Ngữ văn 2006, SGK bộ Cánh Diều (NXB Đại học Huế) và Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam), bản chữ Hán đều viết là “thần nhân”.
Thêm một câu dịch khác khiến giáo viên băn khoăn là “Năm ấy, tháng ấy, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang”. Nguyên văn Hán – Việt của câu là “Bản niên thập nguyệt Mộc Thạnh hựu phân đồ tự Vân Nam nhi lai”, “thập nguyệt” ở đây là “tháng mười”. Tương tự, trong SGK cũ, SGK bộ Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuộc sống đều ghi “Năm ấy tháng Mười, Mộc Thạnh chia đường từ Vân Nam tiến sang”.
Cách dịch nào đúng?
Với một tác phẩm nổi tiếng như “Bình Ngô đại cáo” có rất nhiều bản dịch khác nhau. Chính vì vậy, khi in thành SGK Ngữ Văn, người viết và kiểm duyệt sách cần kiểm tra rất kỹ để thông tin trong các cuốn sách được đồng bộ. Tránh trường hợp mỗi sách viết một kiểu như trường hợp trên. Đồng thời, phải sớm sửa đổi những sai sót để tránh giáo viên, học sinh dạy sai và học sai.
Trong bài học “Thần Trụ trời”, cả ba bộ SGK Ngữ văn lớp 10 (bộ Chân trời sáng tạo, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bộ Cánh Diều) mới viết mỗi sách một kiểu. Với cuốn Chân trời sáng tạo viết hoa đầy đủ là “thần Trụ Trời” nhưng đến các thần khác thì không, chỉ viết hoa chữ đầu tiên các vị thần: “Đếm cát”, “Kể sao”, Đào sông”, “Xây rú”.
Đến bộ Cánh Diều, các tác giả chỉ viết hoa chữ đầu tiên “Trụ trời”, còn các thần khác viết thường: “đếm cát”, “kể sao”, “đào sông”, “xây rú”. Còn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống viết hoa cả 2 chữ “Trụ Trời” và viết thường các thần giống như bộ Cánh Diều. Vậy đâu mới là cách viết đúng?
Vẫn còn đó những băn khoăn với sách mới
Trong năm học 2022-2023, SGK Ngữ Văn 7 được đưa vào dạy đại trà. Vừa qua, đã có nhiều ý kiến góp ý về một số vấn đề của cuốn sách. Với sách cũ trước đây, phần giới thiệu tác giả được để lên đầu trang để học sinh nắm được thông tin này trước khi học bài. Vậy nhưng, trong SGK Ngữ văn 7 (đồng chủ biên Nguyễn Thị Hồng Nam và Nguyễn Thành Thi), bộ Chân trời sáng tạo, phần nội dung về tác giả được đặt phía dưới bài học. Trong một số bài học, phần giới thiệu tác giả được chuyển qua trang mới. Vì thế rất dễ gây nhầm là phần giới thiệu của tác phẩm khác.
Phần giới thiệu tác giả để ở cuối bài học dễ gây nhầm lẫn. |
Mặt khác, SGK Ngữ văn 7, bộ Chân trời sáng tạo cũng thiếu tính kế thừa khi đa phần đều là các văn bản mới. Những văn bản được học ở tập I của cuốn sách hầu như là tác phẩm mới, không xuất hiện những bài văn, thơ của SGK Ngữ văn năm 2006 và trong chương trình Ngữ văn 7 – Chương trình GDPT 2018.
Ở các phần trong nội dung cần đạt của học sinh còn thiếu sự liên kết chặt chẽ. Trong bài 2 sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) có chủ đề là “Bài học cuộc sống (truyện ngụ ngôn)” và phần đọc được các tác giả sách giáo khoa bố trí một số văn bản ngụ ngôn như Ếch ngồi đáy giếng; Hai người bạn đồng hành và con gấu (Aesop); Chó sói và chiên con (La Fontaine); Chân, tay, mắt, miệng…
Ấy vậy mà đến phần viết, sách yêu cầu học sinh “Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử”. Phần hướng dẫn phân tích kiểu văn bản, tác giả SGK lấy bài viết “Thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang”. Cả 2 nội dung trên đều không liên quan đến truyện ngụ ngôn. Tiếp nữa, đến phần nói và nghe, tác giả sách giáo khoa lại yêu cầu “Kể lại một truyện ngụ ngôn”. Không hiểu vì lý do gì, những người làm SGK lại đưa ra những yêu cầu khập khiễng như vậy trong cùng một nội dung học.
Với SGK Ngữ văn 10 (Nguyễn Thành Thi chủ biên) cũng gặp vấn đề tương tự. Bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một truyện kể (trang 23-26) được minh họa bằng ngữ liệu tham khảo: "Phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện ngụ ngôn Chó sói và chiên con (La Phông-ten)". Trước bài học này là bài thần thoại nhưng vì sao tác giả lại dùng thể loại khác (truyện ngụ ngôn) cho phần học tiếp theo?
Có ý kiến cho rằng, phần thiết kế bài giảng của SKG Ngữ văn 10, bộ Chân trời sáng tạo còn chưa có sự thống nhất. Trong bài 1chia nói và nghe thành 2 bài khác nhau: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một truyện kể (trang 29-32); Nghe và nhận xét, đánh giá nội dung, hình thức bài nói giới thiệu một truyện kể (trang 32-33); Bài 2 thì gộp phần nói và nghe vào chung một bài Thuyết trình một vấn đề xã hội có kết hợp sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ (trang 59-61); Bài 3 cũng gộp phần nói và nghe vào chung một bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ (trang 78-79); Bài 4 lại chia nói và nghe thành 2 bài khác nhau: Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu (trang 103-104); Nghe và nắm bắt nội dung trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu (trang 105-106). Chưa hiểu dụng ý của tác giả là gì khi gộp chung và chia riêng các bài học, chỉ biết rằng với mỗi bài, giáo viên và học sinh đều lăn tăn cách sắp xếp các phần không giống nhau.
Dẫu biết rằng, khi các bộ SGK mới được đưa vào giảng dạy sẽ gặp những vấn đề nhất định và cần có sự bổ sung, chỉnh sửa. Tuy nhiên, những NXB và người làm sách cần tiếp thu những ý kiến của giáo viên, dư luận xã hội để đẩy nhanh việc hiệu đính, sửa chữa để có sự đồng bộ, nhất quán vể mặt kiến thức, nội dung và kết cấu giảng dạy và học tập.