Cùng cô giáo đến điểm trường Căn Hồ - thôn Nậm Bành – Trường Mầm Non Huổi Só – xã Huổi Só – huyện Tủa Chùa – tỉnh Điện Biên, mới thấm được nổi vất vả của những giáo viên trẻ nơi đây.
Các em học sinh điểm trường Căn Hồ - thôn Nậm Bành – Trường Mầm Non Huổi Só – xã Huổi Só – huyện Tủa Chùa – tỉnh Điện Biên |
Để đến được điểm trường Căn Hồ, xã Huổi Só các cô giáo phải dậy từ 4 giờ sáng, trải qua hơn 1 tiếng đồng hồ, vượt qua hơn 13km đường rừng, mới tới được lớp học. Những ngày mưa con đường này thực sự là một cuộc chiến không cân sức khi thế yếu vẫn luôn nghiêng về những cô giáo trẻ mới chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Bởi vì con đường hơn 13km này chỉ toàn là đất, mỗi lần trời mưa xuống, các cô đều phải đi bộ đến điểm trường.
Cô Lường Thị Hịnh, giáo viên điểm trường Căn Hồ - thôn Nậm Bành chia sẻ: “ Mình quê ở Ẳng Nưa - Mường Ẳng – Điện Biên, sau khi ra trường, từ tháng 11/2016 được phân công là giáo viên Trường Mầm non Huổi Só – huyện Tủa Chùa – Tỉnh Điện Biên. Điểm trường Huổi Só đóng trên địa bàn xã Huổi Só là xã khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa. Xã cách xa trung tâm huyện 45km và cách nhà mình 95km. Vì vậy mỗi lần đi làm mình đều phải ở lại bản để bám trường, bám lớp”.
Mới ra trường, với tuổi đời còn rất trẻ, cô Hịnh cũng như bao giáo viên nơi đây đều sống trọn với nghề, yêu trẻ, mến trường, tất cả vì học sinh thân yêu. Dù được phân công về điểm trường nào, xa tới đâu, khó khăn đến nhường nào, các cô giáo trẻ vẫn một lòng vì học trò thân thương của mình.
Con đường đi đến điểm trường Căn Hồ mỗi khi trời mưa các cô giáo phải đi bộ đến lớp |
Trong năm học 2022-2023 cô giáo Hịnh được nhà trường phân công dạy tại điểm trường Căn Hồ - thôn Nậm Bành – Trường Mầm Non Huổi Só. Điểm bản Căn Hồ cách trung tâm trường 13km, giao thông đi lại khó khăn. Lớp học ở trên một quả đồi cách xa nhà dân hơn nửa km. Toàn bộ bản có 43 hộ dân, với 256 nhân khẩu, mà trong số đó 100% là dân tộc Dao.
Với đặc thù là bản khó khăn, giao thông đi lại toàn đường rừng, đường đất, lại thêm người dân nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số nên ngoài việc bám bản dạy chữ cho học trò, các các giáo còn phải kiêm luôn vai trò “chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền”. Mỗi lần trò không đến lớp, các cô lại lặn lội đến từng nhà trong bản không kể xa xôi, vận động cha mẹ các em học sinh cho các con đến trường. Chưa kể những lúc các con ốm đau, cũng một tay các cô chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ… Rồi việc bất đồng về ngôn ngữ, các em chủ yếu nói tiếng dân tộc của mình, không biết nói tiếng phổ thông, vì vậy các cô giáo lại học thêm nhiều tiếng dân tộc vùng miền để dễ dàng dạy bảo các em hơn….
Thế mới thấy, làm nghề “cô nuôi dạy trẻ” đã vất vả, để gắn bó với các điểm trường xa xôi, khó khăn như Căn Hồ - Huổi Só thì lại càng đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng và yêu nghề nhiều hơn.
Điểm trường Căn Hồ - thôn Nậm Bành tuy mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019, nhưng vẫn còn nhiều thiếu thốn. |
Cô Hinh tâm sự: “ Trước kia điểm trường Căn Hồ - thôn Nậm Bành chưa được như bây giờ. Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn Ngân sách Nhà nước, lớp học này đã được xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019. Dù cơ sở vật chất đã khang trang hơn, nhưng con đường đến lớp vẫn còn nhiều khó khăn vất vả, người dân nơi đây còn nghèo nên chưa chú trọng chăm lo học tập cho các em. Thiết bị dạy học và đồ chơi cho bé cũng chưa được đồng bộ… Nên những cô giáo như chúng tôi chỉ mong có thêm con đường mới bằng bê tông, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học đồng bộ và tốt lên để chúng tôi an tâm công tác.”
Không đòi hỏi gì nhiều cho bản thân, mỗi cô giáo cắm bản nơi đây dù đã dành cả thanh xuân nơi vùng cao Tây Bắc nhưng vẫn hướng đến các em học trò thân yêu. Mọi gian khổ các cô đã, đang và sẽ trải qua không chiến thắng được tình yêu thương mà “người mẹ hiền” dành cho các học trò thân yêu của mình.
Trong năm học 2022-2023 điểm trường Căn Hồ có 1 lớp học với 15 trẻ từ 3-5 tuổi. Do chỉ có 1 giáo viên nên cô Hịnh phải thực hiện hết tất cả các công việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho 15 em học sinh. Ngoài ra, cô còn đảm nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình, chăm sóc vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường…
Cô Lường Thị Hịnh, giáo viên điểm trường Căn Hồ - thôn Nậm Bành một mình thực hiện hết tất cả các công việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cho 15 em học sinh |
Trong quá trình công tác từ năm 2016 đến nay, 6 năm trôi qua cô Hịnh đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong năm học 2022-2023 cô đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường và đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Cô Hoàng Thị Thao, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Huổi Só – xã Huổi Só – huyện Tủa Chùa – tỉnh Điện Biên chia sẻ: “ Điểm trường Căn Hồ thuộc Trường Mầm Non Huổi Só, mặc dù điều kiện công tác xa nhà, gặp nhiều khó khăn nhưng cô Hịnh luôn tìm tòi học hỏi đồng nghiệp để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Luôn yêu nghề mến trẻ, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tích cực, nhiệt tình, đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường. Cũng vì thế mà cô luôn được trẻ và phụ huynh tin yêu, được đồng nghiệp, người thân và nhân dân bản làng nơi công tác và cư trú quý mến.”
Chia sẻ thêm về điều kiện của Trường Mầm Non Huổi Só, cô Thao cho biết, nhà trường luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Huổi Só, sự chỉ đạo trực tiếp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tủa Chùa, sự ủng hộ, phối kết hợp có hiệu quả của Hội phụ huynh học sinh trong các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên có năng lực phẩm chất tốt, luôn đoàn kết, thống nhất, không ngừng học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi trong và ngoài lớp tương đối đầy đủ. Có đủ phòng học đáp ứng cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên cũng còn nhiều khó khăn như: Trường đóng trên địa bàn xã Huổi Só là một trong những xã đặc biệt khó khăn nhất của huyện Tủa Chùa, có 100% học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số như: Dao, H’Mông ,Thái...; số hộ nghèo của xã còn cao, dân cư sống không tập trung, đời sống của đại bộ phận nhân dân còn nghèo nàn và còn khó khăn nên chưa có điều kiện đóng góp cho con và các khoản xã hội hóa của nhà trường. Một số phụ huynh nhận thức về giáo dục mầm non còn hạn chế nên chưa phối hợp tốt cùng nhà trường để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cơ sở vật chất ở các thôn bản chưa đảm bảo, công trình vệ sinh, nước sạch còn thiếu. Đồ dùng đồ chơi , trang thiết bị mới đạt ở mức tối thiểu, chưa đồng bộ mặc dù đã được bổ sung, song còn thiếu ở các độ tuổi: Mẫu giáo lớn, mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ, nhóm trẻ 24-36 tháng... Diện tích tích đất còn chật hẹp, giao thông đi lại khó khăn, sự bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và nhân dân trên địa bàn…
Mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng các em học sinh là động lực để các giáo viên nơi đây phấn đấu cõng chữ lên non |
Đặc biệt, do điều kiện công tác vất vả nên nhà trường còn thiếu nhiều giáo viên so với điều lệ. Trẻ ở các độ tuổi ít nên không đủ phân chia lớp theo độ tuổi, đa số các cháu phải học lớp ghép 3 độ tuổi trong một lớp. Trẻ còn rụt rè, chưa mạnh dạn giao tiếp với cô cũng như các bạn trong lớp. Một số cháu phát âm nhiều từ chưa rõ ràng và một số cháu còn phát âm theo tiếng địa phương…
Cô Thao nhấn mạnh “Mặc dù điều kiện ở đây còn khó khăn, tuy nhiên với lòng yêu nghề chúng tôi sẽ cố gắng đem con chữ về cho các học sinh vùng cao. Các em học sinh chính là động lực để chúng tôi phấn đấu”.
Để các em học sinh có thể nắn nót từng nét chữ là cả sự nỗ lực của các giáo viên ở đây. Tuổi trẻ có nhiều lựa chọn, nhưng cắm bản, bám trường gắn bó với học sinh vùng cao không phải ai cũng đủ can đảm để quyết định, những cô giáo Trường Mầm Non Huổi Só vẫn đều đặn hàng ngày đến trường, đến lớp dạy cái chữ cho các em học sinh. Trong đôi mắt của các cô luôn ánh lên tình yêu thương con trẻ, nhiệt huyết với công việc.
Dẫu núi cao, vực sâu nhưng ở đâu có tình yêu thương, có sự hi sinh cố gắng thì ở nơi đó ắt có niềm vui và hạnh phúc, các cô như những ngôi sao lấp lánh mang ánh sáng tương lai đến với các em nhỏ ở vùng cao Tây Bắc.