Nậm Pồ: Thực hiện thành công nhiều kế hoạch đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

(PLM) - Được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên và sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn ngành giáo dục, năm học 2021 - 2022, huyện Nậm Pồ đã có nhiều chuyển biến tích cực, tổ chức xây dựng, thực hiện thành công nhiều kế hoạch đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Nậm Pồ: Thực hiện thành công nhiều kế hoạch đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Chủ động đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Nậm Pồ được biết đến là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên với địa bàn huyện rộng, dân cư phân bố không tập trung, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn… đã ảnh hưởng đến công tác vận động học sinh đến lớp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Năm học 2021-2022, toàn huyện Nậm Pồ có 40 trường học, đang hoạt động với tổng số 793 lớp và 20.408 học sinh. Cấp: Mầm non: 15 trường, 293 nhóm/lớp với 6.986 trẻ; Tiểu học: 11 trường tiểu học và 03 trường PTDTBT THCS có lớp tiểu học, 67 điểm trường lẻ với 340 lớp với 8.314 học sinh; THCS: 14 trường (02 trường TH-THCS mới đi vào hoạt động từ 01/6/2022) với 160 lớp; 5.108 học sinh. So với năm học 2020-2021, tăng 04 lớp, 457 học sinh.

Năm học vừa qua, ngành giáo dục của huyện đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm đề ra. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, coi trọng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức, phương pháp dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học; tiếp tục triển khai đổi mới thi kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh. Các điều kiện bảo đảm chất lượng được tăng cường, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các nhà trường được đẩy mạnh…

Học sinh huyện Nậm Pồ thực hành hoạt động trải nghiệm

Học sinh huyện Nậm Pồ thực hành hoạt động trải nghiệm

Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các đơn vị trường học làm tốt công tác khảo sát số trẻ trên địa bàn trong độ tuổi ra lớp, đặc biệt quan tâm đến trẻ từ 3-36 tháng, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và trẻ 11 tuổi học lớp 6, trẻ 15 tuổi vào lớp 10; phân vùng tuyển sinh; tuyên truyền vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường, đảm bảo huy động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp. Hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao. Cụ thể: Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường: đạt 72,8% , tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,8%. tỷ lệ huy động học sinh 11 tuổi vào lớp 6 đạt 97,5% .

Đồng chí Giám đốc sở GD&ĐT Nguyễn Văn Đoạt thăm và làm việc với Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ

Đồng chí Giám đốc sở GD&ĐT Nguyễn Văn Đoạt thăm và làm việc với Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT, ngày 07/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; Công văn số 2023/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 13/5/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo; đồng thời trong các chương trình, hội nghị, hội thảo tiếp tục chỉ đạo quán triệt các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo, quy chế làm việc và quy tắc ứng xử của đơn vị tới tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động.

Chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường nắm bắt, chấn chỉnh tư tưởng đội ngũ công chức, viên chức ngành Giáo dục, qua đó đấu tranh kiên quyết không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo công chức, viên chức vào các hoạt động lừa đảo bằng việc kinh doanh một số mặt hàng trái quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học; xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ năm học. Chỉ đạo các đơn vị trường học tiến hành kiểm tra rà soát các trường hợp giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn.

Công tác bồi dưỡng giáo viên được quan tâm và chỉ đạo kịp thời, cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường tự giác, tự nguyện tham gia các lớp học để nâng cao trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác.

Toàn huyện có 27/40 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 65,9%; có 22 trường được cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục đạt tỷ lệ 53,7%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục 89,7% có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn (theo Luật GD 2019), đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Toàn huyện có 777 phòng học, trong đó: 517 phòng kiên cố, 189 phòng bán kiên cố, 71 phòng tạm ba cứng; 201 phòng công vụ, trong đó 64 phòng kiên cố, 114 phòng bán kiên cố, 23 phòng tạm. Phòng nội trú có 525 phòng, trong đó có 73 phòng kiên cố, 271 phòng bán kiên cố,181 phòng tạm.

Nhiều chỉ tiêu giáo dục đào tạo đạt kết quả cao

Thực hiện các quy định hiện hành về chế độ chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã triển khai đầy đủ các chế độ chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động. Chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách đối với nhà giáo theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo quyền lợi và đúng chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng. Tăng cường tham mưu quản lý, chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả công tác thi đua khen thưởng, tạo động lực phát triển nhằm động viên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người lao động toàn ngành chủ động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mặc dù năm học 2021 – 2022 vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các hoạt động giáo dục trên địa bàn huyện Nậm Pồ diễn ra bình thường. Theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục Đào tạo huyện, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt cả 3 hình thức tổ chức dạy học là trực tuyến, trực tiếp và trực tuyến kết hợp trực tiếp, còn gọi là hình thức dạy học "2 trong 1". Đến nay, cả 3 cấp Mầm non, Tiểu học, THCS đều hoàn thành công tác phổ cập, hoàn thành tốt các cuộc thi cấp huyện và cấp tỉnh. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục phát triển và được bố trí hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn huyện.

Học sinh trường THCS Tân Phong huyện Nậm Pồ trong một buổi sinh hoạt chung

Học sinh trường THCS Tân Phong huyện Nậm Pồ trong một buổi sinh hoạt chung

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc; Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; giáo dục kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; Nâng cao trình độ chuẩn đào tạo giáo viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra về giáo dục đào tạo;

Thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học, bảo đảm công bằng khách quan, chính xác, tin cậy, tạo thuận lợi cho người dạy, người học. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Khai mạc kì thi máy tính cầm tay cấp huyện Nậm Pồ

Khai mạc kì thi máy tính cầm tay cấp huyện Nậm Pồ

Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết, từ những thành quả đạt được ở những năm học trước, năm học 2022 - 2023, ngành giáo dục và Đào tạo huyện tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bám sát mục tiêu giáo dục đào tạo của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm học 2022-2023 được UBND tỉnh, huyện giao.

Thực hiện tốt các mục tiêu phòng, chống Covid-19, đảm bảo trường học an toàn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo chất lượng và phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và việc thực hiện Chương trình GDPT năm 2018. Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập các cấp học. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị trường học; thực hiện kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục.