Từ những lần cải cách giáo dục ở Việt Nam
Cải cách giáo dục ở Việt Nam là thay đổi lớn trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam, bao gồm những thay đổi liên quan tới chương trình giáo dục, nội dung sách giáo khoa.
Từ năm 1956 đến năm 1976, tại miền Bắc Việt Nam, theo Nghị định 596 ngày 30/8/1956 của Bộ Giáo dục, các trường phổ thông sẽ tổ chức theo hệ thống trường phổ thông 10 năm. Ở lần cải cách này, chương trình, SGK chủ yếu là sao chép lại của các nước xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1981: Hệ thống giáo dục chuyển từ 10 năm sang 12 năm cùng với sự đổi mới chương trình SGK phù hợp.
Từ năm 2000, chương trình giáo dục phổ thông được đổi mới, kéo theo việc thay đổi SGK toàn bộ cho khối phổ thông, áp dụng từ năm học 2002-2003, thực hiện cuốn chiếu đồng thời từ khối lớp 1 và lớp 6, hoàn tất vào năm học 2008-2009.
Năm 2006, theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình GDPT 2006 ra đời. Nội dung SGK được coi là nguồn kiến thức, căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi; cả Chương trình GDPT chỉ có một bộ SGK duy nhất.
Ảnh minh họa |
Đến chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách”
Năm 2018, Bộ Giáo dục ra Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/20218 ban hành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018. Trong đó nội dung SGK sẽ đóng vai trò là học liệu, không phải là nguồn kiến thức duy nhất để tổ chức hoạt động dạy học. Theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; mỗi môn học có nhiều SGK. Một chương trình, nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ "truyền thụ kiến thức" sang dạy học "phát triển năng lực” cho học sinh
Lúc đầu, sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 5 bộ được phê duyệt. Đó là: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”; “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; bộ “Cánh diều” của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Sau mấy năm sử dụng, những người viết sách đã tiếp thu ý kiến gạn đục khơi trong, chỉnh sửa, và đến nay lưu hành 3 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cánh diều”. 3 bộ sách này đang được sử dụng ổn định tại các trường phổ thông. Thực tế 3 bộ SGK đang được thực hiện ở các địa phương rất tốt. Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã và đang đi vào ổn định, có những kết quả khả quan.
Ảnh minh họa |
Có nên ra đời thêm bộ SGK của Bộ GD&ĐT?
Mấy năm áp dụng chương trình mới, qua tham khảo ý kiến đóng góp xây dựng của giáo viên trực tiếp đứng lớp, các bộ sách đang được sử dụng đều là những công trình khoa học nghiêm túc. Các tác giả biên soạn đều hướng đến việc phát triển năng lực của học sinh một cách chủ động, sáng tạo. Sự đa dạng trong cách tiếp cận giúp các địa phương có nhiều lựa chọn nội dung sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm vùng miền và hoàn cảnh của học sinh. Dù là bộ sách nào, lúc mới ban hành đều có đôi chỗ “sạn”, nhưng đã tiếp thu và chỉnh sửa, nên hiện tại rất ổn.
Nếu có thêm một bộ SGK nữa cho việc đổi mới giáo dục do Bộ GD&ĐT thực hiện thì có quá nhiều nhiều bất cập sẽ xảy ra. Để có thêm 1 bộ sách, phải chọn lựa nội dung cấu trúc sách, rồi chọn lựa người viết. Chưa kể đến sau khi viết xong sẽ phải mất thêm 1 thời gian dài dạy thử nghiệm, rút kinh nghiệm lên xuống chán, rồi mới đưa ra dạy đại trà. Trong khi đó 3 bộ sách hiện tại đang phát huy rất tốt việc thực hiện nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các nhà trường có thể chọn 1 bộ sách, nhưng vẫn lấy ngữ liệu của bộ sách khác để phục vụ quá trình giảng dạy. Hoặc có thể không chọn tất cả các môn trong cùng 1 bộ, mà theo từng môn học, nếu thấy đầu sách nào phù hợp với đối tượng học sinh thì chọn lựa.
Nếu Bộ GD&ĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK nữa thì sẽ xảy ra hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, sẽ gây ra những hiệu ứng tiêu cực từ xã hội. Dư luận sẽ cho rằng Bộ Giáo dục ôm đồm. Trong việc thực hiện cải cách giáo dục, thì vai trò Bộ GD&ĐT là đơn vị chỉ đạo thực hiện việc đổi mới giáo dục phổ thông năm 2018. Là bên đưa ra triết lý cùng những mục tiêu, quan điểm giáo dục, yêu cầu các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa phải thực hiện. Giờ lại là người vừa đưa ra vừa thực hiện, chả khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Sách giáo khoa viết ra bao giờ cũng phải qua quá trình thử nghiệm, tiếp thu và chỉnh sửa. Nếu có “sạn” lại mang tiếng Bộ chủ quản mà viết sách không ra hồn. Chưa kể đến việc không khách quan khi lựa chọn sách giáo khoa. Chả lẽ sách Bộ GD viết ra, các đơn vị lại không lựa chọn? Mà lựa chọn, chắc gì đã ưu điểm hơn các bộ sách đang dùng?
Được biết, Bộ GD&ĐT cũng không muốn cho ra đời thêm bộ sách giáo khoa riêng của Bộ. Việc Bộ trưởng ý kiến chấp thuận hay không chấp thuận, tôi nghĩ ông cũng đã cân nhắc rất kỹ. Nhưng nếu Bộ trưởng quan điểm không chấp thuận việc ra đời thêm 1 bộ SGK mới do Bộ GD biên soạn, có nghĩa là Bộ trưởng đã thể hiện được sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt với GD trên tình hình thực tế chứ không phụ thuộc vào dư luận hoặc một số ý kiến khác. Đó là chính kiến của người thuyền trưởng –là điều rất cần thiết với vai trò “tư lệnh ngành” GD hiện nay.
Là một nhà quản lý giáo dục nhiều năm nay, tôi cũng được nghe rất nhiều ý kiến từ phụ huynh về vấn đề sách giáo khoa mới. Họ bảo: Trước đây, sách giáo khoa lớp trên có thể cho lại lớp dưới, nhưng hiện tại, đã có nhiều gia đình anh em không thể học lại sách của nhau, do lựa chọn của các trường khác nhau. (Chưa kể cùng 1 trường mà năm trước và năm sau cũng khác). Điều này đã tạo ý kiến trái chiều trong phụ huynh. Thử hỏi nếu bây giờ lại phát hành thêm 1 bộ sách nữa, nhân dân sẽ hiểu thế nào về ngành giáo dục? Sẽ có ý kiến hiểu sai rằng: Bộ GD cố tình viết sách để “tung hoả mù”, “làm kinh tế”… phức tạp thêm thị trường sách giáo khoa vốn đang có quá nhiều lựa chọn như hiện tại.
Có những phụ huynh còn nói thẳng: “Ước gì chỉ có 1 bộ sách duy nhất, để anh em có thể học lại của nhau, đỡ tốn kém lãng phí tiền của”. Là nhà quản lý giáo dục, người viết bài này cũng thấy băn khoăn suy nghĩ và thông cảm với họ.
Vậy tốt nhất là không nên cho ra đời thêm bộ sách giáo khoa riêng của Bộ Giáo dục nữa, vừa đỡ tốn kém tiền bạc, vừa tránh được sự phức tạp của thị trường sách giáo khoa hiện nay.
(Nguyễn Thị Diệp – Hiệu trưởng TH&THCS Newton - Hoài Đức - Hà Nội)