Bóc tách sự cẩu thả trong sách Tiếng Việt 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

(PLM) - Sách Tiếng Việt 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều chỗ cẩu thả khó có thể chấp nhận được.
Bóc tách sự cẩu thả trong sách Tiếng Việt 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Thời điểm năm 2020, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông đã chỉ ra một loạt "sạn" trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên. [1] Theo ông, cuốn sách này mắc nhiều lỗi như: sai kiểu câu; câu hỏi mơ hồ; nội dung bài học một đằng, tranh minh họa một nẻo. Và thật bất ngờ, sách Tiếng Việt 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tiếp tục lặp lại vết xe đổ của sách Tiếng Việt 1 - cùng Tổng Chủ biên và nhà xuất bản.

Nội dung một đằng, minh họa một nẻo

Sách tập 2, bài "Cánh cam lạc mẹ" (trang 69, 70) có đoạn thơ: Bọ dừa dừng nấu cơm/Cào cào ngưng giã gạo/Xén tóc thôi cắt áo/Đều bảo nhau đi tìm.

Đoạn thơ nói đến con bọ dừa nhưng hình ảnh minh họa là bọ rùa (xem thêm bài viết Ngữ văn 6 – bộ Chân trời sáng tạo… sáng tạo bọ rùa thành bọ dừa).

Sách minh họa nhầm bọ rùa thành bọ dừa, cào cào trông giống bọ rầy. (Ảnh: Cao Nguyên)

Sách minh họa nhầm bọ rùa thành bọ dừa, cào cào trông giống bọ rầy. (Ảnh: Cao Nguyên)

Còn con cào cào (vòng tròn đỏ hình minh họa) thì thân hình giống với bọ rầy (cánh cong, ngắn). Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thành phố Hồ Chí Minh, cào cào trưởng thành dài 40 – 45mm (con đực nhỏ hơn con cái) có màu xanh vàng hoặc nâu, râu hình sợi chỉ, 2 bên đỉnh đầu về phía mắt kép có 2 vệt sọc màu nâu kéo dài suốt 3 đốt ngực. Mảnh lưng của đốt bụng (đặc biệt con cái) có dạng gai. [2]

Hình ảnh con cào cào. (Ảnh: khoahocphattrien.vn)

Hình ảnh con cào cào. (Ảnh: khoahocphattrien.vn)

Không viết hoa theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP

Ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác văn thư quy định các văn bản hành chính và bản sao văn bản áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước phải viết hoa trong trường hợp sau (trích):

Trong phép đặt câu: viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh, gồm: sau dấu chấm câu (.); sau dấu chấm hỏi (?); sau dấu chấm than (!) và khi xuống dòng.

Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người: với tên người Việt Nam thông thường, viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người.


Nghị định 30 còn quy định viết hoa tên địa lí; viết hoa tên cơ quan, tổ chức và viết hoa các trường hợp khác. [3]

Đối chiếu một số văn bản trong sách Tiếng Việt 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, tác giả SGK mắc nhiều lỗi viết hoa.

Sách tập 1, bài "Tôi là học sinh lớp 2", Văn Giá (trang 10) có câu: Tôi rối rít: Con muốn đến lớp sớm nhất.

Viết hoa từ "Con" không đúng quy định theo Nghị định 30 (chỉ có 04 trường hợp viết hoa). Nhiều văn bản trong cuốn sách này cũng viết hoa sai quy định. Có lẽ các tác giả sách viết hoa theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/1/2011 (có quy định viết hoa sau dấu hai chấm).

Bài “Em học vẽ”, Phan Thị Diên, (trang 58, 59) có một số câu thơ như sau (trích): Vẽ ông trăng trên cao/Rải ánh vàng đầy ngõ/Vẽ cánh diều no gió/Vi vu giữa trời xanh... Vẽ cả ông mặt trời/Và những chùm phượng đỏ/Trên sân trường lộng gió/Gọi ve về râm ran.

Không viết hoa danh từ riêng chỉ người - "ông trăng" đã được nhân hóa. (Ảnh: Cao Nguyên)

Không viết hoa danh từ riêng chỉ người - "ông trăng" đã được nhân hóa. (Ảnh: Cao Nguyên)

Tác giả Phan Thị Diên đã nhân hóa các hình ảnh "trăng", "mặt trời" thành nhân vật nên tác giả sách cần viết hoa những danh từ này (Trăng, Mặt Trời).

Bài “Sự tích cây thì là”, Trịnh Mạnh kể, (trang 46-47) có câu: Ngày xưa, cây cối trên trái đất chưa có tên gọi. Tương tự, phải viết hoa tên hành tinh Trái Đất mới đúng.

Diễn đạt lủng củng, rối rắm, tối nghĩa

Sách tập 1, có một số câu như: Nói câu thể hiện tình cảm của em đối với thầy cô giáo của mình. (Trang 41); Theo em, khổ thơ cuối ý nói gì? (Trang sách không nói được/Sao bé nghe điều gì/Dạt dào như sóng vỗ/Một chân trời đang đi…), trang 67 - diễn đạt lủng củng, sử dụng ngôn ngữ nói.

Câu văn lủng củng khiến học sinh lớp 2 gặp khó khăn trong việc học tập. (Ảnh: Cao Nguyên)

Câu văn lủng củng khiến học sinh lớp 2 gặp khó khăn trong việc học tập. (Ảnh: Cao Nguyên)

Cuối Bài 21 - "Thả diều" có câu hỏi: Khổ cuối bài thơ muốn nói điều gì? (Trang 95). Không thể đặt câu hỏi "Khổ cuối bài thơ muốn nói...", vì khổ thơ thì không biết nói, chỉ có tác giả muốn nói điều gì qua khổ thơ, bài thơ mà thôi.

Sách tập 2, có một số câu đáng chú ý như, bài “Mùa vàng”: Nhưng để có cái thu hoạch, trước đó người nông dân phải làm rất nhiều việc. (Trang 27);

Bài “Cảm ơn họa mi”: Vật gì có ở vương quốc khiến nhà vua tự hào nhất? Điều gì xảy ra với món quà nhà vua được tặng? (Trang 41);

Bằng cách nào mong muốn của cây được thực hiện? (Trang 56)...

Văn bản diễn đạt tối nghĩa, làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt. (Ảnh: Cao Nguyên)

Văn bản diễn đạt tối nghĩa, làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt. (Ảnh: Cao Nguyên)

Đọc những câu văn trên, có cảm giác tác giả viết sách là những ông Tây viết tiếng Việt chứ không phải người Việt sử dụng thứ tiếng mẹ đẻ. Bởi cách diễn đạt còn tối nghĩa, rối rắm, lủng củng... Có câu còn sử dụng cả ngôn ngữ nói và diễn đạt theo cấu trúc của ngữ pháp châu Âu làm cho câu văn xơ cứng, mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.

Sinh thời, Giáo sư Cao Xuân Hạo luôn lo lắng việc dạy và học tiếng Việt trong nhà trường nước ta. Theo ông, hệ thống ngữ pháp chức năng mà nhiều thế hệ học sinh, sinh viên đã và đang được truyền thụ, gần 100% không phải là tiếng Việt, mà là ngữ pháp tiếng Pháp hay một thứ tiếng châu Âu điển hình nào đấy, rồi dùng tiếng Việt làm ví dụ.

Từ đó, những người Việt trẻ tuổi bắt chước giọng Tây lai lơ lớ mà nói ngọng nói nghịu, quên dần cách diễn đạt chính xác, trau chuốt của tiếng mẹ đẻ, cho tới lúc đọc Truyện Kiều hay thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử cũng không còn khả năng rung cảm nữa. [4]

Tài liệu tham khảo:

[1] //vienphuongdong.edu.vn/bai-viet/chuyen-gia-chi-hang-loat-san-trong-sgk-tieng-viet-lop-1-cu/204

[2] //chicucttbvtvhcm.gov.vn/cay-lua/cao-cao-424.html#:~:text=C%C3%A0o%20c%C3%A0o%20tr%C6%B0%E1%BB%9Fng%20th%C3%A0nh%20d%C3%A0i,con%20c%C3%A1i%20c%C3%B3%20d%E1%BA%A1ng%20gai.

[3] //dhtn.ttxvn.org.vn/tintuc/quy-dinh-moi-ve-viet-hoa-trong-van-ban-hanh-chinh-7110

[4] //www.sggp.org.vn/cao-xuan-hao-va-noi-tran-tro-giu-gin-tieng-viet-146480.html

[5] //booktoan.com/sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-2-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song.html

[6] //hanhtrangso.nxbgd.vn/ebook/read/tieng-viet-2-tap-hai-10753

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.