Điều 138 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (còn gọi là sổ hồng) đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ không có giấy tờ về quyền SDĐ mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền.
Quy định này chia ba trường hợp cụ thể được cấp sổ hồng với đất không giấy tờ, thay vì xem xét cấp sổ hồng cho đất sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 như Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 hiện nay, gồm:
Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân SDĐ trước ngày 18/12/1980, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
Thứ hai, hộ gia đình, cá nhân SDĐ từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
Thứ ba, hộ gia đình, cá nhân SDĐ từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
Đáng chú ý, luật bổ sung hai quy định mới hoàn toàn so với Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể, Điều 139 quy định việc giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân SDĐ có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1-7-2014.
Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh với các trường hợp có vi phạm pháp luật đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất phải thông qua quy trình, thủ tục chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm các điều kiện theo quy định tại điều này và các điều khác, pháp luật khác có liên quan.
Quy định còn lại liên quan đến việc cấp sổ hồng với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ được giao không đúng thẩm quyền (Điều 140).
Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 16 chương và 260 điều; nhiều hơn 2 chương, 48 điều so với Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, trừ quy định về hoạt động lấn biển, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) và nội dung sửa đổi Luật Lâm nghiệp.