Có thể lên tới... 2 tỷ đồng
Để sở hữu một chiếc thẻ hội viên trên thị trường hiện nay, người chơi golf thường phải trả từ 30.000 USD đến 130.000 USD, tùy vị trí hoặc đẳng cấp của sân cũng như thời hạn chơi. Có những nơi để thu hút người chơi, chủ đầu tư bán cả thẻ hội viên 1 năm, 3 năm nhưng con số này không nhiều. Và các hội viên ở mức này cũng không được nhiều ưu đãi.
Đã từng có những câu chuyện “rỉ tai” nhau đầu tư vào thẻ thành viên của sân chơi nào có lãi nhất? Giới chơi golf ở một sân golf khá lớn ở miền Nam cho biết, sở hữu mỗi tấm thẻ của sân golf này có thể sinh lời khoảng 100 triệu / thẻ trong một thời gian ngắn.
Đặc biệt hơn, các thành viên của sân Léman Golf (ở TP.HCM) sẽ được nhiều ưu đãi mà không có sân golf nào có được. Đó là việc giá trị của thẻ sẽ được tăng nhanh theo tiến độ của dự án; thành viên sẽ được chủ đầu tư chia lại lợi nhuận nếu thành phố phát triển rộng ra trong tương lai và sân golf chuyển thành đô thị. Một điều lạ nữa là sân golf này chỉ dành cho hội viên chơi, khách vãng lai không thể nộp phí vào sân chơi dù muốn chi bất kỳ giá nào.
Tuy nhiên, dù đã mua thẻ thành viên ở mức khá cao, có thể sử dụng khoảng 20-30 năm nhưng các thành viên vẫn phải đóng phí thường niên. Hàng năm các hội viên vẫn phải trả thêm phí thường niên lên đến khoảng 50 triệu/năm, tùy từng sân. Cũng có nhiều sân phí thường niên ở mức thấp hơn, khoảng 20 triệu đồng. Có những sân có chính sách phí thường niên thấp hơn cho hội viên nhưng phải trả tiền tip cho người phục vụ caddie (người phục vụ) 10-15 USD.
Được biết, các thẻ có thể mua đi bán lại. Do vậy, thị trường mua bán, chuyển đổi chủ sở hữu của các thẻ hội viên cũng muôn hình vạn trạng. Đặc biệt, những thành viên người nước ngoài, mua thẻ thành viên nhưng chưa kịp sử dụng hết số năm đã phải chuyển công tác. Tuy nhiên, theo một quản lý của sàn giao dịch thẻ thành viên, số lượng giao dịch của các thành viên người nước ngoài trên các sàn giao dịch chỉ chiếm một số lượng khá nhỏ.
Hiện thị trường mua bán thẻ thành viên sân golf khá sôi động với đủ các mệnh giá của các loại sân từ Bắc vào Nam. Cụ thể: thẻ thành viên sân Yên Thắng được rao với giá từ 11.500-12.500 USD (đã có phí chuyển nhượng, được sử dụng sân đến năm 2046); thẻ thành viên sân Chí Linh được bán với giá từ 15.500-16.500 USD, được sử dụng đến năm 2026…
Ở mức cao cấp hơn, có những thẻ thành viên khi chuyển nhượng có giá lên tới 45.000 USD (như thẻ của sân Sky Lake ở Hà Nội) được sử dụng đến năm 2056. Mức giá chuyển nhượng cao nhất phải kể đến là thẻ thành viên của sân golf Vân Trì, được rao bán từ 82.000-85.000 USD (khoảng gần 2 tỷ đồng) với hạn mức sử dụng có thể đến hết năm 2036 và mức phí thường niên phải đóng là 48 triệu đồng.
Chủ đầu tư “ăn dày”
Điều lạ ở chỗ, dù cho mua bán chuyển nhượng thẻ thành viên nhưng các hội viên đều phải nộp thêm một khoản phí chuyển nhượng thành viên cho chủ đầu tư, dao động từ 5.000-10.000 USD. Thậm chí, có những sân golf dừng bán thẻ nên việc chuyển nhượng thẻ của các sân này ngày càng sôi động, giá thị trường liên tục tăng chỉ sau vài tháng và phí chuyển nhượng phải nộp cho chủ đầu tư cũng không hề thấp.
Tuy có thẻ thành viên nhưng ở nhiều sân golf, các golf thủ phải đặt chỗ trước mới có chỗ và nhiều khi rất thất vọng vì đến sân mà không được chơi, phải chờ. Đây có lẽ là lỗ hổng để nhiều chủ đầu tư... “chơi 2 mang”. Một mặt bán thẻ thành viên với giá cao, mặt khác vẫn bán lẻ cho khách vãng lai chơi, do đó, nhiều hội viên cũng không thể đặt lịch chơi vào ngày cuối tuần.
Cụ thể, đã có rất nhiều golf thủ phàn nàn về việc khó đặt lịch chơi (booking) hoặc phải đặt từ rất sớm để được chơi vào những ngày cuối tuần, thời điểm có giá trị nhất đối với người sở hữu thẻ hội viên. Do chính sách tăng giá gần gấp đôi vào ngày cuối tuần nên các sân hầu hết đều mở cửa cho khách vãng lai vào chơi khiến diện tích dành cho các thành viên hẹp lại.
Trong điều kiện Việt Nam chưa có sân công cộng cho nhiều người chơi với mức giá rẻ như các nước đã có ngành công nghiệp golf phát triển, thì việc tăng thêm thu nhập vào các ngày cuối tuần, có những ngày tăng thu đến 1 tỷ đồng (như PLVN số 153 đã phản ánh) thì việc các thẻ thành viên ngày càng mất đi giá trị vốn có của nó là điều đương nhiên.
Sự rộn ràng của thị trường chuyển nhượng thẻ thành viên (mà đa phần chỉ rao bán) là một minh chứng rõ nét nhất cho việc thẻ thành viên không còn là “tối thượng” đối với mỗi một golf thủ, dù, nếu sở hữu thẻ thành viên, golf thủ sẽ được chơi ở 2-3 sân cùng liên kết với nhau. Trong khi đó tâm lý các golf thủ lại mong muốn có điều kiện được chơi ở nhiều sân khác nhau.
Chính yếu tố này đã dẫn đến việc người chơi vãng lai xuất hiện nhiều ở các sân, chủ đầu tư vừa thu được phí sân chơi, vừa bán được hàng hóa lại thêm khoản chi phí cho các dịch vụ nhà hàng, khách sạn... Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy các thẻ thành viên sẽ mất giá, người chơi sẽ không còn mặn mà với thẻ thành viên, dù đã từng có những thời điểm thẻ thành viên sân golf, đặc biệt là những sân golf cao cấp chính là lợi thế lớn cho nhiều người kinh doanh, kêu gọi đầu tư dự án.