Tiếng nhạc tự bật theo cảm xúc du khách
Theo khảo sát mới của Visa’s Green Shoots Radar, 42% người tham gia tin rằng họ sẽ đi du lịch để giải trí trong năm 2022. Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác ở Mỹ cho thấy 100% người tham gia có động lực lên đường.
Sau đại dịch COVID 19, ai cũng tìm kiếm những trải nghiệm du lịch vui vẻ để hồi sinh tinh thần và tìm nguồn cảm hứng mới trong cuộc sống. Theo đó, nhu cầu du lịch của du khách hậu COVID cũng thay đổi. Họ không chỉ cần một điểm dừng chân thuận tiện mà muốn có một nơi lưu trú thú vị hơn.
Từ thực tế đó, ngành dịch vụ khách sạn cũng chuyển mình với những cách tiếp cận khách hàng độc đáo và khác biệt hơn, dựa trên yếu tố gia tăng trải nghiệm và cảm xúc cho người dùng. Trong muôn vạn cách thức chiếm lĩnh trái tim du khách, những người ưa xê dịch và giới chuyên môn đang thích thú khi nhận ra sự hiện diện ngày càng rõ nét và vô cùng thú vị của xu hướng Gamification (game hóa).
“Đến khách sạn bây giờ không chỉ để ngủ và ăn, đến khách sạn là phải được chơi, được vui”, ông Lê Quốc Vinh - một trong những chuyên gia truyền thông, marketing hàng đầu Việt Nam nhấn mạnh tại buổi trao đổi “Trải nghiệm khách hàng”. Chương trình do chuỗi khách sạn thuận ích SOJO Hotels và Câu lạc bộ Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Vinh cho rằng để đạt được yếu tố “vui” đó, các khách sạn cần chú trọng nâng cao trải nghiệm, sáng tạo, cá nhân hóa trải nghiệm…
“Bằng rất nhiều khảo sát, chúng tôi nhận ra rằng khách hàng có nhu cầu về một điểm đến luôn sẵn sàng chào đón họ, nơi đáp ứng vừa vặn nhu cầu - không thiếu tiện nghi nhưng cũng không được dư những tiện ích ít dùng đến. Họ cũng muốn được kết nối một cách sâu sắc và toàn diện, từ không gian đến con người và cảm xúc. Với những công dân toàn cầu, họ còn mong muốn được trải nghiệm những điều mới mẻ; muốn một cảm giác vừa gần gũi vừa khác biệt. Và họ mong chờ nơi mình ở phải có gu”, bà Nguyễn Thị Thu Hà, chuyên gia Định hình phong cách SOJO Hotels chia sẻ.
Với tiêu chí trải nghiệm “đúng ý và hợp gu”. Trong đó, để khách “ở là kết”, khách sạn đã ứng dụng Gamification - “game hóa” trải nghiệm khách hàng và được biết đến là khách sạn đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng xu hướng này.
Kỹ thuật, cách thức, luật chơi và những yếu tố khác… vào một hoạt động bất kỳ với mục đích tạo động lực và hứng thú cho người dùng, thay đổi nhận thức và khuyến khích họ chủ động tham gia tích cực hơn vào các hoạt động tương tự trong tương lai.
Yếu tố game thể hiện xuyên suốt quá trình lưu trú của du khách. Đầu tiên là “cuộc chơi với cảm xúc” ngay khi bước chân vào căn phòng. Bằng cách sử dụng app trên chiếc điện thoại của mình, du khách sẽ lập tức “bật mood” theo các chế độ đã cài đặt sẵn. Mỗi cảm xúc của du khách sẽ đi kèm với một màu sắc ánh sáng của phòng tắm, âm nhạc và nhiệt độ phòng. Chiếc rèm cửa cũng sẽ từ từ được mở, để họ có thể tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc nghỉ ngơi.
Mỗi chi tiết ở khách sạn sẽ đều gợi mở cho khách một trò chơi nào đó, đôi khi là một cuộc “đấu trí” nho nhỏ với bản thân. Ví dụ, khi bước vào phòng tắm, cặp đôi dầu gội sẽ “đánh đố” du khách bằng câu hỏi dí dỏm “Du khách ơi, tắm trước hay gội trước. Đó là vấn đề”. Hai chiếc bàn chải gỗ “xịn xò” được bố trí một cách tinh tế để khách có thể phân biệt với bạn đồng hành, nhưng cũng là cách để họ định hình lại cá tính, sở thích của mình. Đôi dép đi trong nhà với hai màu tưởng như “cọc cạch” cũng có những ký tự biến tấu từ thương hiệu của khách sạn này, sẵn sàng đưa khách vào cuộc chơi giải mã ngôn ngữ.
Các khách sạn tăng cường sự trải nghiệm thú vị để thu hút khách du lịch. |
Ẩn ý đằng sau tất cả những “trò chơi” đó mỗi hành trình có muôn vàn trải nghiệm, muốn hàng tập trung vào cảm xúc và cảm giác của bản thân, và hơn nữa là lời nhắn nhủ về tinh thần “play full” hứng khởi, về sự sáng tạo vô biên của mỗi cá nhân từ những điều rất nhỏ, rất đời thường.
Thiết kế dựa trên những kỳ vọng ẩn giấu của khách hàng, game mang tới những trải nghiệm “wow” chạm tới cảm xúc với một loạt các trò chơi từ dân gian như: ô ăn quan, nhảy lò cò, đến các trò hiện đại như bi lắc, phi tiêu, rút gỗ... Tại khu vực này, người trẻ có thể hào hứng chia sẻ với bạn bè những khoảnh khắc đấu game “chill tận nóc”. Khách phương xa vừa nhâm nhi đồ uống vừa nghe các những câu chuyện địa phương. Còn các gia đình có thể tận hưởng những giây phút bình yên ngắm các con thích thú chơi đùa trong không gian rộng lớn và an toàn.
Khách sạn xanh – hòa cùng thiên nhiên
Cùng với xu hướng phát triển bền vững của thế giới, các công trình khách sạn hiện đại với không gian xanh ở Việt Nam đã xuất hiện ngày càng nhiều như: Atlas hotel Hội An,Venue Hotel Nha Trang,Condotel Babylon Garden Đà Nẵng….
“Khách sạn xanh” là những công trình khách sạn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường, là khách sạn với không gian mở, tốt cho sức khỏe con người, khách sạn tiết kiệm năng lượng, sử dụng tối đa ánh sáng thiên nhiên và chuẩn trong vấn đề xử lý rác thải.
Trào lưu khách sạn xanh được hiểu là “Khách sạn cố gắng trở nên thân thiện với môi trường hơn thông qua việc sử dụng hợp lý năng lượng, nguồn nước và vật liệu trong khi vẫn đảm bảo cung cấp các dịch vụ chất lượng”. Mặc dù có rất nhiều định nghĩa khác nhau, tuy nhiên, tinh thần chung của các khách sạn này đều hướng đến việc giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường bằng việc tiết kiệm năng lượng và tạo ra văn hóa “xanh” trong phục vụ.
Trào lưu khách sạn xanh cũng khuyến khích sự tham gia của các nhân viên bằng cách tuyên truyền qua những buổi đào tạo, các chuyến tham quan hay các cuộc thi về vấn đề duy trì nhận thức trong văn hóa phục vụ. Đồng thời, các nhân viên quản lý cũng liên tiếp cung cấp thông tin trên trang điện tử của khách sạn, tạp chí hoặc các khu vực công cộng về du lịch xanh và lợi ích của nó trong môi trường tổ chức khách sạn.
Theo các chuyên gia du lịch, nhân viên của các khách sạn trong trào lưu khách sạn xanh đều phải có thái độ phục vụ du khách rất tốt và luôn muốn mang đến những trải nghiệm tối ưu. Kiến thức “xanh” trong khách sạn đã xây dựng cho họ 1 nền tảng cơ bản với văn hóa phục vụ thân thiện với khách hàng và môi trường. Từ đó, họ luôn luôn thấu hiểu và tạo ra các sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị cao.
Việc thực hiện các hoạt động thân thiện với môi trường và xã hội của trào lưu khách sạn xanh như mua hàng hóa và dịch vụ của địa phương đã tạo ra lợi thế đáng kể trong cạnh tranh. Du khách có xu hướng lựa chọn những khách sạn với thiết kế xanh, mang lại cảm giác đắm mình thực sự với thiên nhiên. Hơn hết, các yếu tố này hướng đến sức khỏe nên cực kì được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tiêu chuẩn cho một Khách sạn xanh còn là ở vị trí thuận lợi để khuyến khích khách hàng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Khách sạn xanh có không gian mở tối đa, đồng thời giảm thiểu tác động về tiếng ồn, không khí, rác thải tới khách hàng…
Điểm nhấn của các khách sạn xanh là những mảng màu sắc xanh tươi, yên bình và gần gũi với thiên nhiên. Những lớp cây xanh hàng hàng lớp lớp dọc theo các ban công, bao phủ mái nhà mang đến bầu không khí trong lành, thoáng đãng.
Không chỉ không gian bên ngoài, giải pháp xanh còn len lỏi vào các khu vực bên trong khách sạn. Đặc biệt, sảnh khách sạn xanh cũng tạo được ấn tượng đặc biệt với du khách từ cái nhìn đầu tiên. Sảnh khách sạn xanh được thiết kế rộng rãi để khách hàng tham quan trải nghiệm với thiên nhiên xung quanh.
Khu vực vị trí lễ tân, khu vực chờ với những chậu cây nhỏ xinh xắn làm cho không gian trở nên sinh động hơn. Việc tạo ra môi trường xanh không chỉ không chỉ tạo vẻ mỹ quan cho khách sạn mà còn đảm bảo sức khỏe cho du khách.
Khác với không gian phòng ngủ khép kín, xu hướng phòng ngủ tại khách sạn xanh sẽ hướng đến phong cách hiện đại, thoáng đãng, tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Cách thiết kế này giúp cho khách du lịch có những phút giây thư giãn thoải mái, hòa mình cùng thiên nhiên ngay trong không gian riêng tư
Với thiết kế khách sạn xanh, những vật liệu mang tính tự nhiên như gỗ thay bê tông tô điểm cho căn phòng. Phòng ngủ được bao quanh bởi không gian thiên nhiên tươi mát căng tràn sức sống luôn là lựa chọn ưu tiên cho phong cách thiết kế khách sạn xanh.
Có thể nói, các khách sạn xanh, “game hóa”, “cảm xúc hóa”… là những hướng đi mới của trải nghiệm du khách trong lĩnh vực lưu trú ở nước ta, nhất là trong giai đoạn mới đầy triển vọng của ngành du lịch.