Tại phiên họp, các đại biểu đã đặt câu hỏi về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai với thời gian rất dài và giải pháp để sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả; về số dự án chậm triển khai đã được TP quyết định gia hạn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013… Việc xử lý vi phạm như hiện nay đã đảm bảo mức răn đe hay chưa, có bao nhiêu chủ đầu tư thực hiện khắc phục sau xử phạt và có bao nhiêu đơn vị không khắc phục và tiếp tục tái phạm?
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ rõ nguyên nhân đầu tiên khiến cho các dự án sử dụng đất chậm được triển khai là do năng lực của nhà đầu tư còn yếu, các dự án gặp khó khăn trong huy động vốn hoặc do cùng lúc đầu tư vào nhiều dự án khiến nhiều nhà đầu tư “hụt hơi” về tài chính. Các nguyên nhân chủ quan khác như: giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn; việc điều chỉnh quy hoạch sau khi điều chỉnh địa giới hành chính TP (năm 2008); chính sách đất đai có những thay đổi; Sự yếu kém trong quản lý, sự phối hợp không chặt chẽ giữa các sở, ngành, quận, huyện.
Chủ tịch UBND TP khẳng định Hà Nội luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng phát triển TP nhưng TP cũng cương quyết nói không với tình trạng dự án “đắp chiếu”, gây lãng phí đất đai. Thực trạng chậm triển khai tại một số dự án cần phải được kiên quyết xử lý. Để làm được việc đó, Chủ tịch UBND TP đưa ra một số các giải pháp cơ bản cần được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo đó, trước tiên, UBND TP sẽ xây dựng kế hoạch, phân công, đôn đốc các sở, ngành, Thanh tra TP để kiểm tra, thanh tra, thu hồi những dự án không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục đối thoại, làm rõ những vướng mắc, từ đó cố gắng, phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện dự án đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, TP đang khẩn trương hoàn thành phần mềm quản lý các dự án để quản lý chặt chẽ hơn, nắm được diễn biến phát triển của dự án cũng như hoạt động của nhà đầu tư sau khi được cấp phép. UBND TP cũng sẽ chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện quy chế liên quan đến thẩm định, quản lý hồ sơ của các nhà đầu tư, tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm có thông tin triển khai dự án, không để dây dưa, kéo dài.
Ngay sau phiên họp giải trình ngày 13/8, TP sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm triển khai cần phải thu hồi. Để có danh sách này, TP đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư và chỉ thu hồi khi chủ đầu tư thực sự không thể tiếp tục triển khai. “Quan điểm của TP là sẽ tiếp tục rà soát, thu hồi đất tại các dự án mà chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện. Như với 22 dự án trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP đã gia hạn đến hết tháng 8/2018, nếu các chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thì sẽ kiên quyết thu hồi...”, Chủ tịch UBND TP nêu rõ.