Đã qua thời của các bàn thu đổi ngoại tệ cá nhân
Hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới trước đây đã được quy định cụ thể tại Quyết định 140/2000/QĐ-TTg ngày 08/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý tiền của nước có chung biên giới, theo đó công dân Việt Nam là cư dân biên giới có đủ điều kiện theo quy định được NHNN xem xét cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ để thực hiện nghiệp vụ mua, bán tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu.
Trong bối cảnh mạng lưới hoạt động của các ngân hàng tại khu vực biên giới còn chưa phát triển, hoạt động của bàn đổi tiền cá nhân nói trên đã tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nhỏ lẻ của cư dân biên giới, khách du lịch và nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu tiểu ngạch, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới.
Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động của các bàn đổi ngoại tệ cá nhân đặc biệt là bàn đổi tiền Nhân dân tệ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Thứ nhất, hoạt động của các bàn đổi ngoại tệ cá nhân bị biến tướng. Theo quy định, bàn đổi tiền cá nhân được thực hiện mua, bán ngoại tệ tiền mặt, vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện, hoạt động của nhiều bàn đổi ngoại tệ cá nhân đã bị biến tướng.
Các bàn đổi cá nhân tham gia vào hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu như một “ngân hàng di động”, có doanh số thu đổi tiền mặt lớn, chi phối tỷ giá CNY/VND, thực hiện hoạt động cho vay VND, ngoại tệ với lãi suất cao bất hợp pháp, từ đó hình thành chợ tiền tự do lấn át thị trường chính thức, gây khó khăn cho công tác quản lý ngoại hối, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ trên địa bàn các khu vực biên giới.
Thứ hai, hồ sơ, thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân quá đơn giản. Theo đó, cá nhân là cư dân biên giới có địa điểm đặt bàn đổi ngoại tệ tại khu vực biên giới và số vốn bằng tiền mặt tối thiểu 50 triệu VND được NHNN chi nhánh tỉnh biên giới xem xét cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân. Từ đó dẫn đến tình trạng các bàn đổi ngoại tệ cá nhân thành lập tràn lan, gây khó khăn cho cơ quan quản lý, ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối.
Thứ ba, việc quản lý các bàn đổi ngoại tệ cá nhân còn gặp nhiều khó khăn, bởi mặc dù đã có quy định về thu hồi Giấy phép đối với trường hợp vi phạm của bàn đổi ngoại tệ cá nhân nhưng do đối tượng áp dụng là cá nhân nên việc xử lý các trường hợp sai phạm gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo vai trò quản lý hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, hiện nay không còn cơ sở pháp lý để thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân. Xuất phát từ những bất cập của các bàn đổi tiền cá nhân, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 17/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN đã bãi bỏ thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân. Trên cơ sở đó, Thông tư số 11/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 của NHNN đã bãi bỏ quy định về điều kiện, thủ tục cấp phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân tại Thông tư số 07/2001/TT-NHNN.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013): “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được NHNN chấp thuận bằng văn bản”. Như vậy, cá nhân không được thành lập bàn đổi ngoại tệ.
Cần quy định đặc thù cho hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
Hiện nay, nội dung về hoạt động đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức kinh tế được quy định tại Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế. Quy định tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP không phân biệt điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khác.
Tuy nhiên, theo nhận định của NHNN, do khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu có những đặc thù riêng biệt, đồng thời hoạt động sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam ngoài việc thực hiện theo các quy định chung về quản lý ngoại hối còn thực hiện theo quy định tại các Hiệp định giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới. Vì vậy, hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cũng cần có những điều kiện, quy định riêng nhằm vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đồng thời vẫn phát huy hiệu quả sử dụng tiền của nước có chung biên giới.
Cụ thể, về địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ. Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 89/2016/NĐ-CP, đại lý đổi ngoại tệ phải đặt tại một trong các địa điểm như cơ sở lưu trú du lịch từ ba sao trở lên, cửa khẩu quốc tế, khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài, trung tâm thương mại... Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng tại khu vực biên giới còn chưa phát triển, đồng thời căn cứ cơ chế quản lý đặc thù nêu trên để quy định địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới linh hoạt hơn so với địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ khác. Do đó, cần quy định tổ chức kinh tế có nhu cầu làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải có trụ sở chính hoặc chi nhánh đặt tại khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu để thực hiện hoạt động thu đổi ngoại tệ.
Do vậy, NHNN cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2016/NĐ-CP theo hướng quy định tách biệt đối tượng tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ (không bao gồm tiền của nước có chung biên giới) với đối tượng tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới là cần thiết để quy định các điều kiện khác nhau đối với hai đối tượng này nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, tạo cơ sở pháp lý đối với công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý nhà nước đối với việc sử dụng tiền của nước có chung biên giới.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế. Ngoài ra, để tăng tính hiệu quả trong công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, các nội dung khác có liên quan đến hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới (như nguyên tắc thu đổi tiền của nước có chung biên giới, tồn quỹ ngoại tệ tiền mặt, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan,...) sẽ được quy định tại văn bản hướng dẫn của NHNN.