Đường Võ Nguyên Giáp là con đường trục chính, xuyên bán đảo Bảo Ninh (xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Đường này có địa thế đẹp, chạy dài ven biển nên dọc tuyến đã được cấp cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp triển khai các dự án du lịch, nghỉ dưỡng… Vì thế, nó được mệnh danh là “con đường resort và hotel” của thành phố ven biển Bắc miền Trung.
“Nhìn trên thực địa chỉ toàn cỏ dại, phi lao và cát trắng vậy thôi, nhưng thực tế nó đã có ô, có chủ cả rồi đó…”, một người dân thôn Sa Động (xã Bảo Binh) cho hay.
Phần lớn diện tích của Trạm Ra đa biển Đồng Hới đang để không với cát trắng và phi lao |
Tuy nhiên, nếu lướt qua gần 5 km đoạn từ đầu đường Võ Nguyên Giáp đến điểm giao với đường ĐT569, thì chỉ đếm được khoảng 5 dự án với các cơ sở du lịch, lưu trú đã đi vào hoạt động, đó là: Khu Sun Spa Resort, Gold Coast Hotel Resort and Spa, Nhà khách Hải Đăng, Nhà nghỉ Công an tỉnh Quảng Bình và khu Bảo Ninh Beach Resort.
Phần lớn diện tích đất còn lại trên tuyến đường này là các dự án đang quây tôn, đóng cọc xây hàng rào hoặc thậm chí có dự án xây dựng dở dang gần chục năm nay vẫn chưa xong… để lãng phí đất vàng ven biển.
Điển hình trong số này là Dự án Khu Resort Sài Gòn - Bảo Ninh của Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình. Doanh nghiệp trên được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê hơn 4,2 ha đất tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Võ Nguyên Giáp suốt gần 10 năm nay, nhưng đến giờ này, trên thực địa dự án vẫn chưa hề được triển khai.
Bên trong Resort Sài Gòn Bảo Ninh chỉ có mấy hàng dừa, vài ngôi nhà lá nhỏ dựng lên để... giữ đất? |
Chủ đầu tư Công ty CP Du lịch Sài Gòn Quảng Bình đã “che mắt” chính quyền bằng cách dựng vài tấm bảng hiệu in logo thương hiệu doanh nghiệp, trồng vài hàng dừa, xây một vài ngôi nhà lá để mở nhà hàng ăn uống, kinh doanh vài tiếng đồng hồ/ngày.
“Khu này có cách đây 7 - 8 năm rồi, nhưng “Tổng” (Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - PV) không đầu tư. Hiện chỉ có một khu nhà hàng nhưng nó chỉ hoạt động vào buổi chiều, tối do vắng khách. Nghe nói, các sếp đang tìm đối tác để bán lại?”, một nhân viên của Dự án Resort Sài Gòn - Bảo Ninh tiết lộ với PLVN.
Liên quan đến dự án nói trên, cuối năm 2016, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 3965/QĐ-UBND về việc gia hạn sử dụng đất cho Công CP Du lịch Sài Gòn - Quảng Bình do vi phạm chậm tiến độ thực hiện dự án. Được biết, với Quyết định này, UBND tỉnh Quảng Bình đã “du di” cho chủ đầu tư được phép kéo dài thời gian thực hiện dự án trên mảnh đất vàng này thêm 2 năm nữa (đến hết 30/6/2018)?
Tiếp tục đi về phía Nam đường Võ Nguyên Giáp, một loạt dự án quây tôn, xí phần… vẫn nằm bất động hoặc chưa có dấu hiệu khởi công, động thổ. Dễ thấy nhất là khu đất Trạm Ra đa biển Đồng Hới (Tổng cục Biển và Hải đảo thuộc Bộ TN&MT), với một diện tích đất đã được giao khá rộng, nhưng đơn vị này chỉ xây dựng nhà và lắp đặt thiết bị ở một gốc rất nhỏ của khu đất; phần còn lại của mặt bằng với mặt tiền cực rộng hiện tại chỉ toàn… phi lao và cát trắng.
Khách sạn Duy Tân - 1 trong số ít dự án "nói thật, làm thật" trên trục đường vàng ven biển Bảo Ninh |
Theo quan sát, đến thời điểm này, trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (phía sát biển) chỉ có 3 dự án có biểu hiện cho thấy chủ đầu tư đang tích cực triển khai trên thực địa đó là công trình Hotel and Resort Pullman Quảng Bình của Tổng công ty Du lịch Hà Nội (hạng 5 sao), Khách sạn Duy Tân của Quân khu 4 (hạng 3 sao) và Dự án Resort Golden City của Công ty CP Golden City đã hoàn thành việc ký quỹ ở ngân hàng và đang chuẩn bị tiến hành san gạt mặt bằng.
Dù vậy, con số trên vẫn đang quá nhỏ bé so với số quyết định mà cấp có thẩm quyền của tỉnh này đã ký ban hành cho các đơn vị, doanh nghiệp thuê đất trong thời gian qua. Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai của tỉnh Quảng Bình sẽ nói gì trước thực trạng này?