Bởi như Chính phủ đã thừa nhận, công tác quy hoạch hiện chưa theo kịp trước sự đổi mới và đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây khó khăn trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, làm lãng phí nguồn lực của đất nước, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Tất cả cần được điều chỉnh ở tầm vĩ mô bằng Luật Quy hoạch.
Thiếu ý dân dễ vỡ quy hoạch
Quy họach thiếu tầm nhìn, quy hoạch sau “đè” quy hoạch trước, không thực hiện đầy đủ quy trình lấy ý kiến nhân dân, tham vấn chuyên gia... là những vấn đề của công tác quy hoạch bấy lâu nay. Vì vậy, ngay khi thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định ngay trong dự thảo luật hình thức, trình tự, nội dung, thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, cần quy định cụ thể đối với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng thì lấy ý kiến như thế nào, đặc biệt là việc tham gia của cơ quan Quốc hội, các tổ chức phản biện khoa học, phản biện xã hội; ý kiến về việc tham gia của người dân và cộng đồng với quy hoạch cấp huyện, cấp xã.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, Dự thảo Luật đã quy định, việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quy hoạch được thực hiện ở cả trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đối tượng, phạm vi, hình thức, nội dung lấy ý kiến sẽ phụ thuộc vào từng loại quy hoạch, ví dụ như quy hoạch tổng thể quốc gia việc lấy ý kiến người dân sẽ thông qua các tổ chức, nhưng quy hoạch cho một khu đô thị cụ thể thì cần phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư sinh sống tại khu đô thị đó. Chính phủ sẽ hướng dẫn chi tiết việc lấy ý kiến đối với từng loại quy hoạch để bảo đảm sự thống nhất, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời có ý kiến cho rằng Luật Quy hoạch cần quy định tất cả các quy hoạch sau khi phê duyệt đều phải được công bố và cung cấp thông tin đầy đủ, đặc biệt là các quy hoạch đô thị, nông thôn vì đây là các quy hoạch có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân. Theo UBTVQH, hiện nay việc công bố và cung cấp thông tin còn bị xem nhẹ khiến cho công tác quy hoạch thiếu sự minh bạch, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Do vậy, Dự thảo Luật đã xác định tất cả các quy hoạch sau khi được phê duyệt đều phải được công bố và cung cấp thông tin đầy đủ. Dự thảo Luật cũng xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về quy hoạch. “Đây cũng chính là một trong những biện pháp để đảm bảo quyền giám sát hoạt động quy hoạch của người dân để phát hiện kịp thời các hạn chế và hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch. Việc cung cấp thông tin sẽ phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin và pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” – UBTVQH nhận định.
Không phải “thích là điều chỉnh” quy hoạch
Tinh thần này được thể hiện rất rõ tại Chương IV của Dự thảo Luật. Trước đó, một số ý kiến cho rằng cần quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch là cấp cao hơn. Có ý kiến đề nghị quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ do UBTVQH điều chỉnh sau đó báo cáo với Quốc hội. Một số ý kiến lại cho rằng cần quy định rõ quy hoạch thực hiện bao nhiêu năm mới được điều chỉnh để tránh việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật đã quy định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia sẽ do Quốc hội phê duyệt. Do vậy, UBTVQH cho rằng, không thể quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch cao hơn một cấp. Việc điều chỉnh các quy hoạch này cũng không nên giao UBTVQH để phù hợp với thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra, những quy định về nguyên tắc điều chỉnh, các căn cứ để điều chỉnh và trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch “sẽ đảm bảo tránh được việc điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện. Tuy nhiên, quy hoạch cũng phải đảm bảo tính linh hoạt để đáp ứng được những thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, do đó, Dự thảo Luật không quy định cụ thể thời hạn điều chỉnh quy hoạch” – UBTVQH lý giải.
“Ưu tiên đầu tư” trong quy hoạch vẫn bị “treo”
Dẫn ví dụ của khu đô thị Linh Đàm, khi mới hình thành cách, đây được mệnh danh là “khu đô thị kiểu mẫu” hiện đại, văn minh, đáng sống nhưng 10 năm sau khu đô thị này đã trở nên nhếch nhác, bị “băm nát” vì khâu tổ chức thực hiện quy hoạch phát sinh nhiều lợi ích cục bộ, Luật gia Đỗ Minh Sơn, Hội Luật gia TP Hà Nội muốn chứng minh về hậu quả của “khâu tổ chức thực hiện quy hoạch có vấn đề, không nghiêm, thiếu tính đồng bộ, manh mún và ở đâu đó có lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ địa phương”.
Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, nhiều quy hoạch được phê duyệt nhưng không được triển khai thực hiện do thiếu sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết của các cấp, các ngành hoặc do thiếu cơ quan trực tiếp quản lý, điều hành. Vì thế, nhiều dự án được xác định “ưu tiên đầu tư” trong quy hoạch bị “treo”, không được triển khai thực hiện hoặc chậm triển khai, điển hình như các dự án trong quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng.
Từ đó, nhiều chuyên gia kiến nghị cần quy định về trách nhiệm, xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện quy hoạch với liều lượng dày hơn bởi như nhận xét của Luật gia Đỗ Minh Sơn: “Dự thảo Luật quy định trách nhiệm chưa tương xứng hay nói cách khác là còn thiếu và yếu” trong quá trình tổ chức triển khai quy hoạch sẽ không khắc phục được tình trạng này.
Thậm chí phản ánh hiện tượng, “có những quy hoạch trình chưa được duyệt đã lạc hậu” bởi công tác quy hoạch không được chú trọng đúng mức, làm không đúng quy định, hay qua loa “cho xong chuyện” như ở huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội), khi mới về làm Bí thư Huyện ủy, ông Phó Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Huy Hiểu được biết “chỉ có 6 ngày làm xong quy hoạch huyện” (!?).Vì thế mà ông cảm thán, “tôi chưa thấy nước nào mà nhà quy hoạch giỏi như nước ta”.
Trong Tờ trình về Dự án Luật Quy hoạch, Chính phủ cũng thừa nhận, quy định về công tác tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chưa hợp lý, thiếu đồng bộ và còn mang tính hình thức. Các bộ, ngành, địa phương tự tổ chức lập, thẩm định, trình phê duyệt nhưng chưa đảm bảo tính tuân thủ, mối quan hệ hữu cơ giữa các quy hoạch và cơ chế phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan quản lý quy hoạch dẫn đến sự thiếu khớp nối, mâu thuẫn và chồng chéo giữa các loại quy hoạch…
Đó là một trong những tồn tại, hạn chế của công tác quy hoạch cần được sửa chữa, khắc phục để công tác quy hoạch thực sự phục vụ được cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.