Giảm giá nhiều lần, vẫn không bán được
Năm 2016, tổng số việc phải thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng là 19.297 việc, với số tiền là 78.652 tỷ 305 triệu 814 nghìn đồng, tương ứng với 2,35% về việc và 58,86% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc. Kết quả: Thi hành xong 3.348 việc, thu được số tiền gần 19.655 tỷ đồng. Nhìn vào con số nói trên cho thấy, tỷ lệ thi hành về tiền tăng vượt bậc, đột phá so với cùng kỳ 2015.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực song so với các loại việc khác, tỷ lệ án tín dụng ngân hàng thi hành xong vẫn thấp hơn, trong đó có những khó khăn rất đặc thù.
Cục THADS Hà Nội cho rằng, một trong những khó khăn trong THA liên quan đến tín dụng ngân hàng là rất nhiều tài sản bảo đảm tính thanh khoản rất thấp; nhiều khu vực không có giao dịch, không có người mua; hầu hết tài sản bảo đảm các tổ chức tín dụng nhận thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán đều được định giá rất cao, bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán rất lớn nhưng đến khi tổ chức thi hành án, định giá thực tế thấp hơn rất nhiều lần; nhiều tài sản đưa ra bán đấu giá, hạ giá nhiều lần vẫn không có người mua.
Sau hai lần giảm giá, bán đấu giá không có người mua nhưng các tổ chức tín dụng là người được thi hành án hầu hết không nhận tài sản bảo đảm để trừ vào số tiền được THA dẫn đến phải tiếp tục giảm giá nhưng không thể bán được. Có nhiều vụ đã giảm giá quá nhiều lần, có việc đến 17 lần vẫn không có người mua.
Còn theo Tổng cục THADS, do thị trường bất động sản còn trầm lắng và tâm lý e ngại của người dân không muốn đầu tư vào tài sản THA dẫn đến việc bán tài sản để đảm bảo THA còn nhiều hạn chế, đa số các trường hợp phải đưa ra bán nhiều lần mới thành, hoặc đã đưa ra đấu giá nhiều lần vẫn không bán được.
Cần cơ chế giải quyết tình trạng chây ỳ
Việc bán tài sản đã khó nhưng việc giao tài sản cho người trúng đấu giá cũng nan giải không kém. Nhiều vụ chậm giao trong thời gian dài do đương sự chống đối quyết liệt, các ngành cũng có quan điểm khác nhau và công tác chỉ đạo của chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS; công tác phối hợp trong giao, cưỡng chế giao tài sản một số vụ việc chưa tốt, chưa kịp thời.
Bên cạnh đó còn có việc hiện trạng tài sản bảo đảm không đúng với nội dung bản án. Ví dụ như diện tích đất trên thực tế không đúng với hợp đồng thế chấp, đất không có lối đi hoặc có sự thay đổi hiện trạng nhà và tài sản trên đất… Đối với các bản án tuyên không rõ, khó thi hành, có sai sót, cơ quan THADS có văn bản đề nghị giải thích, bổ sung nhưng Tòa án chậm hoặc không trả lời, dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS trong áp dụng các biện pháp kê biên, xử lý đảm bảo thi hành án cũng như thực hiện việc ủy thác.
Ông Phạm Văn Vũ - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho rằng, mặc dù THADS đã phối hợp tốt với Ngân hàng trong thu hồi nợ xấu và đạt những kết quả tích cực song vẫn còn tình trạng đương sự chống đối, chây ỳ, mặc dù họ là người có tài sản thi hành. “Chúng tôi đề nghị UBND TP chỉ đạo các ngành quyết liệt hơn nữa để giải quyết tình trạng chây ỳ trong THADS, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã, phường phối hợp tích cực, vào cuộc sát sao với THADS, với Ngân hàng”.
Đại diện Phòng Nghiệp vụ 1, Cục THADS Hà Nội thì cho rằng đối với những việc đang bán đấu giá nhưng không có người mua, những việc đang làm thủ tục để bán đấu giá và việc đã bán đấu giá thành thì cần tiếp tục thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục về bán đấu giá, thẩm định giá, giảm giá và xây dựng kế hoạch thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng để giao tài sản bán đấu giá thành cho người mua trúng đấu giá đúng thời hạn quy định.
Trường hợp sau 02 lần giảm giá mà không có người đăng ký mua thì đề nghị các tổ chức tín dụng, Ngân hàng nhận tài sản để trừ vào nghĩa vụ của người phải THA. Đối với việc án tuyên không rõ, có khó khăn, vướng mắc: Tiếp tục có văn bản đề nghị, kiến nghị với Tòa án có thẩm quyền yêu cầu sớm giải thích, trả lời.
Còn theo Tổng cục THADS, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi lập hồ sơ cho vay vốn cần thẩm định chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế và đánh giá tác động về biến động giá trị của tài sản trong tương lai gần. Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra.