Xử lý TSBĐ – nút thắt xử lý nợ xấu
Gần 10 năm các TCTD được thực hiện quyền thỏa thuận xử lý TSBĐ kể từ khi Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực, được hướng dẫn bởi Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP). Theo đó, bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận xử lý nợ bằng biện pháp thu giữ TSBĐ, khi bên giữ tài sản quá thời hạn không tự nguyện bàn giao TSBĐ và không thực hiện nghĩa vụ.
Mặc dù biện pháp thu giữ TSBĐ còn gặp khó khăn trong việc hiểu và hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cũng như cơ quan ngôn luận, nhưng biện pháp thu giữ TSBĐ đã giúp tăng hiệu quả xử lý nợ xấu hơn 50% cho các TCTD.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% năm 2015 đã hoàn thành nhưng phần lớn mới là chuyển dịch nợ xấu, khoảng 45% nợ xấu được bán cho VAMC, DATC... hoặc chuyển sang hình thức khác mà không phải là áp dụng các biện pháp thu nợ thực tế. Nút thắt một phần từ những khó khăn và vướng mắc trong việc thực thi quyền tự xử lý TSBĐ của các tổ chức tín dụng.
Bảo vệ chủ nợ hay con nợ?
Điều 301 Bộ luật dân sự 2015, sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2017, quy định: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Như vậy, trường hợp người giữ tài sản không tự nguyện bàn giao thì các TCTD không có quyền thu giữ tài sản như trước đây mà phải khởi kiện, trừ khi có luật khác quy định.
Tại Hội thảo “Quyền thu giữ TSBĐ của các TCTD” được tổ chức bởi Ngân hàng Nhà nước ngày 6/12/2016 tại Hà Nội, Tổng giám đốc AMC Techcombank Thiệu Ánh Dương tỏ ra băn khoăn với sự hạn chế của BLDS mới, các quyền thỏa thuận xử lý TSBĐ của các tổ chức tín dụng sẽ bị hạn chế rất nhiều, ngay cả việc tự bán TSBĐ cũng khó thực hiện nếu tài sản không thu giữ được, không bàn giao được cho người trúng đấu giá. Còn đại diện Agribank cho biết, không thu giữ được TSBĐ tức là hạn chế quyền tự xử lý được tài sản trực tiếp, mà phải qua “trường kỳ” tố tụng và thi hành án thì đang quá tải.
Các chuyên gia cho rằng cần thay đổi quan điểm về chủ nợ và khách nợ khi xử lý tài sản bảo đảm. Chúng ta thường cho rằng ngân hàng thì giàu có, chiếm lợi thế, trong khi người đi vay thì nghèo khổ và yếu thế. Vì thế xu hướng nghiêng về việc bảo vệ người vay, dù không trả nợ, không xử lý tài sản thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trong khi khoản vay thua lỗ do chi phí vốn, chi phí xử lý nợ và vẫn phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế - ông Đoàn Thái Sơn, nêu quan điểm, xu hướng bảo vệ người vay không chỉ ảnh hưởng đến các TCTD, hiệu quả hoạt động xử lý nợ, mà còn đến cả nền kinh tế quốc dân. Không chỉ Nhà nước bị thất thu từ các TCTD, mà các tổ chức, cá nhân sẽ khó tiếp cận nguồn vốn hơn do nợ xấu, sự phát triển kinh tế nói chung theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Ngược lại, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, luật pháp cần phải được xây dựng theo hướng bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Điều này cần phải được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm, xử lý TSBĐ…
Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của TCTD, theo TS Võ Trí Thành càng thiếu quyết liệt, càng để chậm bao nhiêu tác động bất lợi đối với toàn bộ nền kinh tế càng cao bấy nhiêu. Vì thế, ông tiếp tục kiến nghị cần phải có giải pháp đặc biệt đối với vấn đề xử lý TSBĐ nói riêng, xử lý nợ xấu nói chung. “Trước một hiện tượng kỳ dị, đặc biệt thì chúng ta cũng phải dùng biện pháp kỳ dị. Trong trường hợp này chúng ta cần một Luật chuyên biệt về xử lý nợ xấu”, ông Thành đề xuất.