Bộ Tài chính vừa có công văn số 14257/BTC-VP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Theo đó, để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS ; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng BĐS, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý chặt chẽ thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để chống thất thu thuế. |
Đồng thời, yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, các cơ quan nhà nước liên quan hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp chuyển nhượng BĐS giá kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thuế đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để người dân, doanh nghiệp được biết thực hiện.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS của người dân, doanh nghiệp. Chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi trốn thuế. Chỉ đạo các Cục thuế phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS nhằm chống thất thu thuế.
Trước đó, hồi tháng 7/2021, Cục Thuế TP Hà Nội lên tiếng cảnh báo tình trạng vi phạm pháp luật, khai sai giá BĐS để trốn thuế. Giới đầu tư bất động sản còn gọi lại đây là "tiền chênh", nằm ngoài hợp đồng, hoàn toàn không có giấy tờ nào chứng minh. Người mua có nguy cơ mất trắng số tiền chênh này, nếu có tranh chấp xảy ra.
Khoản "phí dịch vụ" hay gọi là khoản "tiền chênh" lên đến vài trăm triệu đồng tại một dự án khu dân cư đang được rao bán rầm rộ trên thị trường. |
Trên thị trường thời gian qua còn diễn ra tình trạng bán nhà "2 giá" còn diễn ra tại một số dự án bất động sản từ thương mại đến nhà ở xã hội. Ngoài tiền ghi trên hợp đồng mua bán, sẽ là khoản tiền chênh theo cách thức chung là, ngoài tiền trên Hợp đồng mua bán, người mua sẽ phải trả thêm tiền chênh lớn qua các tên gọi như: “hợp đồng góp vốn”, “phí dịch vụ”…
Điển hình như tại các chung cư NƠXH dù chưa triển khai xây dựng nhưng trên thị trường các dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu – tên thương mại NHS Trung Văn (tại ô đất HH – 02A Đông Nam đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Dự án được quảng cáo do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 4 làm chủ đầu tư.
Theo các môi giới, ngoài giá của chủ đầu tư trình sở duyệt khoảng 17 - 17,5 triệu đồng/m2, thì có 2 gói để khách hàng lựa chọn. Gói thứ nhất, khách không chọn căn hộ, chỉ chọn căn 69,8m2 thì phải đóng thêm 140 triệu đồng. Còn nếu khách muốn chọn số căn, tầng thì phải đóng tiền chênh từ 180 - 250 triệu đồng/căn. Riêng đối với căn to, lô góc thì khách đóng chênh 330 triệu đồng.
Hay như dự án nhà ở xã hội Hạ Đình tại ngõ 214 Nguyễn Xiển hay Thượng Thanh chưa mở bán nhưng “cò” vẫn đua nhau bán chênh. Nhưng đáng chú ý là trong khi đó, chủ đầu tư lại khẳng định dự án chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và chưa thu bất cứ một khoản phí nào của khách.