Tuy nhiên, đến năm 2014 Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp giấy phép xây dựng cho dự án với chiều cao công trình là 53m và chỉ là 18 tầng. Chính sự “vênh nhau” như vậy nên nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải căn cứ vào pháp luật về xây dựng, đất đai để đánh giá giấy phép xây dựng cấp cho dự án 8B Lê Trực có hợp pháp hay không?
Quy hoạch và giấy phép tại sao lại "vênh nhau"?
Ngày 5/12/2008, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - Nguyễn Thế Thảo đã ký Quyết định số 2452/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 - Tại lô đất có ký hiệu L30 (khu đất của Công ty cổ phần May Lê Trực tại số 8B phố Lê Trực). Theo đó, dự án 8B Lê Trực được xác định chức năng sử dụng đất là nhà ở chung cư và được điều chỉnh cục bộ thành chức năng sử dụng đất hỗn hợp (Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê) với quy mô được phép xây dựng với chiều cao công trình tối đa là 70m và 20 tầng.
Theo luật sư Cao Xuân Vượng - Công ty Luật An Viên - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Đối chiếu theo điểm c, Điều 19, Nghị định 12/2009/NĐ-CP quy định các công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không cần phải xin phép xây dựng.
Đến năm 2012 pháp luật xây dựng có sự thay đổi khi Chính phủ ban hành Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 và có hiệu lực từ ngày 20/10/2012. Trong đó, khoản 1, Điều 27 Nghị định quy định về xử lý chuyển tiếp thì: "Những công trình, theo quy định trước khi Nghị định này có hiệu lực (20/10/2012) thuộc đối tượng không phải có giấy phép xây dựng, nhưng theo quy định của Nghị định này phải có giấy phép, nếu đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng"...
Như vậy, dự án 8B Lê Trực được khởi công xây dựng từ năm 2010 thuộc đối tượng không cần phải xin giấy phép xây dựng khi đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Tuy nhiên, đến ngày 24/3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp Giấy phép xây dựng cho công trình 8B Lê Trực, điều đặc biệt khác thường với Quy hoạch chi tiết là chỉ cho phép chủ đầu tư xây dựng với chiều cao công trình tối đa là 53m và 18 tầng, đồng thời Giấy phép xây dựng cũng ghi nhận rõ tình trạng công trình đã được khởi công.
Sâu chuỗi lại quá trình thay đổi quy định pháp luật cũng như cách áp dụng của cơ quan chức năng cho thấy, việc Sở Xây dựng Hà Nội cấp Giấy phép xây dựng đối với công trình 8B Lê Trực là trái quy định pháp luật do Công trình này thuộc đối tượng không yêu cầu phải xin cấp phép xây dựng. Hơn nữa, giữa Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và Giấy phép xây dựng lại “vênh nhau” về chiều cao công trình là 17m và 2 tầng; Điều thay đổi bất ngờ của Giấy phép xây dựng được cấp không đúng với Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam, không phù hợp với công năng sử dụng (chiều cao bình quân các tầng đều quá thấp 53m : 18 tầng = 2,94m /tầng, riêng tầng 1 chỉ cao +2,6m) khiến chủ đầu tư vô cùng lúng túng, không thể thi công theo giấy phép xây dựng, vì thế đã xây dựng theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt và cho đến nay Quy hoạch này vẫn đang còn hiệu lực pháp luật.
Hệ quả còn nguy hiểm hơn, khi các cơ quan chức năng xử lý vi phạm trật tự xây dựng lại không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt như nêu ở trên mà chỉ căn cứ vào Giấy phép xây dựng đã cấp trái quy định pháp luật mà ra quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình 8B Lê Trực, khiến cho tòa nhà không đảm bảo an toàn do ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu, tuổi thọ công trình, gây thiệt hại rất lớn cho người dân mua nhà và chủ đầu tư; Trong khi văn bản liên quan đến quản lý trật tự xây dựng có hiệu lực pháp luật cao nhất phải tuân thủ chính là Quyết định 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Cần xem lại việc cấp phép?
Theo ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp, Giấy phép xây dựng là quyết định hành chính cá biệt, hiện nay chưa có Luật Quyết định hành chính cá biệt. Tuy nhiên, quyết định hành chính cá biệt chỉ được áp dụng đối với trường hợp cụ thể và phải dựa trên một hệ thống pháp luật hiện hành. “Cho nên để xem quyết định cá biệt có hợp pháp hay không thì phải mang hệ thống pháp luật đó ra để đối chiếu”.
Như vậy, việc cấp giấy phép xây dựng chỉ là một khâu trong thủ tục cấp phép và phải tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Có nghĩa là nếu không tuân theo quy định pháp luật thì giấy phép đó không đúng, không có giá trị pháp lý
Nói về vấn đề này, ông Trần Việt Trung - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, khi Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ từ thời còn Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo thì đã soi xét tất cả các khía cạnh. “Việc này là có từng giai đoạn điều chỉnh, giai đoạn đó tôi không làm mà thuộc thế hệ các lãnh đạo trước”.
Nhận định về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH Châu Á cho rằng, có thể thấy nội dung giữa Quy hoạch và Giấy phép xây dựng đang bị “ vênh nhau” ở chỗ: Dự án đã được UBND Thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 5/12/2008 cho Lô đất có ký hiệu L30 của Công ty cổ phần May Lê Trực với các chỉ tiêu quy hoạch: Công trình cao 17 tầng (chưa bao gồm 2 tầng kỹ thuật, tầng mái + tum thang), tổng cộng là 20 tầng với chiều cao tối đa 70m.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng đã phê duyệt chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và Phương án thiết kế kiến trúc kèm theo Văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009 với các chỉ tiêu quy hoạch 20 tầng nổi (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái, tum thang).
Theo Nghị định 64/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cấp phép xây dựng thì cơ sở pháp lý để cấp phép xây dựng là đồ án quy hoạch 1/500, thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc kèm theo đồ án.