Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, trong đó tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đến với gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa |
Đồng bào dân tộc được thụ hưởng vốn chính sách
15 năm qua, các chương trình tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn mà NHCSXH thực hiện là Chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được thực hiện theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 và Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo, nhất là đối với vùng dân tộc thiểu số.
Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đến năm 2015 toàn bộ số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng có đất ở; đa số hộ trong diện nghèo, đời sống khó khăn có đất sản xuất, có việc làm, tạo thu nhập ổn định; lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề hoặc có đất sản xuất theo định mức quy định.
Chương trình cho vay hộ đồng bào nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 và Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết được 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH đầu tư cho gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại vùng sâu, vùng xa, có những hộ đã vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi. Từ đó, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình nói chung và hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Kết quả này đã được Quốc hội, các Bộ ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng
Việc xây dựng các chính sách ưu đãi giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận được nguồn vốn của Chính phủ từ đó ổn định đời sống, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống mà hộ dân tộc thiểu số chưa được thụ hưởng, giúp cho đời sống giảm bớt khó khăn, giảm bệnh tật, thất học, các tệ nạn xã hội... đảm bảo an sinh xã hội.
Phát huy kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, trong thời gian tới, NHCSXH phối hợp Ủy ban Dân tộc, chính quyền địa phương và các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác, Tổ TK&VV tích cực vận động, đôn đốc thu hồi nợ, lãi theo quy định. Riêng đối với những hộ vay đã thoát nghèo, có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ thì cần kiên quyết tuyên truyền, giáo dục để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn vốn cho nhà nước. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác quản lý và xử lý nợ bị rủi ro.
Để thực hiện thành công chương trình tín dụng dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tiếp theo, Ủy ban Dân tộc và NHCSXH phối hợp chặt chẽ, quan tâm chỉ đạo công tác rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách. Chính quyền địa phương các cấp, các ngành cần gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách này vào mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Cần thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư..., chuyển giao khoa học kỹ thuật, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.