Mức đánh giá triển vọng là ổn định
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đã xếp hạng CFR ở mức B3 cho Home Credit Việt Nam, tương đương với một số ngân hàng TMCP ở Việt Nam mặc dù lĩnh vực kinh doanh mang tính rủi ro cao, trong lần đầu tiên thực hiện đánh giá tín nhiệm đối với công ty này. Mức đánh giá triển vọng là ổn định, phản ánh kỳ vọng của Moody’s trong việc Home Credit Việt Nam sẽ duy trì các hạng mục tín nhiệm ổn định trong vòng 12-18 tháng tới.
Mức đánh giá có thể tăng lên nếu công ty cải thiện nguồn vốn và khả năng thanh khoản, đồng thời duy trì chất lượng tài sản và vốn ổn định.
Đây là lần đầu tiên một công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng tại Việt Nam công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm do Moody’s – một tổ chức xếp hạng toàn cầu - cung cấp. Việc Home Credit Việt Nam công bố kết quả đánh giá từ một tổ chức xếp hạng độc lập cho thấy chủ trương minh bạch thông tin của DN.
Các chuyên gia tài chính nhận định, việc minh bạch này sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy sự bền vững của ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Tổng quan đánh giá xếp hạng của Moody’s
Mức đánh giá CFR B3 cùng với hồ sơ tín nhiệm độc lập b3 của Home Credit Việt Nam cho thấy hiện nay công ty phải đối mặt với các rủi ro tín dụng khá cao trong bối cảnh thị trường tài chính tiêu dùng tín chấp tại Việt Nam đang phát triển một cách nhanh chóng. Thêm vào đó, các khoản vốn huy động và khả năng thanh khoản của Home Credit Việt Nam có thể bị ảnh hưởng do sự gián đoạn có thể xảy ra bởi sự biến động từ thị trường và/hoặc tín dụng. Đánh giá cũng xem xét đến vị thế thị trường vững chắc của công ty cũng như khả năng sinh lời cao và nguồn vốn dự trữ ổn định.
Home Credit Việt Nam cung cấp cho khách hàng các khoản cho vay tiêu dùng tín chấp với món vay nhỏ. Rủi ro tín dụng từ hoạt động này là khá cao, thể hiện qua tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro đối với tổng dư nợ trung bình là 7,7%, tỷ lệ nợ xấu và khoản vay đã sử dụng dự phòng là 7,8% trên tổng số dư nợ tại thời điểm cuối năm 2017.
Lãi suất từ các khoản cho vay tiêu dùng đem lại lợi nhuận tốt cho công ty. Home Credit Việt Nam đã công bố tỷ số lợi nhuận ròng trên tổng tài sản là 9% và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu là 44% tại thời điểm cuối năm 2017.
Khoản vốn dự trữ của công ty đạt 19,6% vào cuối năm 2017, dựa trên vốn chủ sở hữu đối với tổng tài sản. Mặc dù mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao và tăng trưởng nhanh, khả năng sinh lời cao của HCV cho phép công ty duy trì một nguồn vốn dự trữ dồi dào trong vòng hai năm tới.
Việc đánh giá xếp hạng của HCV không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào của công ty mẹ hoặc từ chính phủ.
Ghi chú:
*CRF: Đánh giá tín nhiệm dựa trên mối tương quan với các thành viên trong cùng tập đoàn;
Phương pháp chính được sử dụng trong các xếp hạng này là phương pháp được áp dụng cho các CTTC được công bố vào tháng 12/2016, *tham khảo trên www.moodys.com.
“Home Credit tin tưởng rằng việc được đánh giá xếp hạng tín dụng và được công bố đại chúng bởi tổ chức uy tín như Moody’s là thể hiện chủ trương minh bạch và khách quan trong thị trường tài chính. Tuy cho vay tiêu dùng thường bị đánh giá là hoạt động tài chính có rủi ro cao, nhưng Home Credit rất tự tin về các quy trình, quy chế, chuẩn quản lý và hoạt động kinh doanh của mình, nên chúng tôi đã tiên phong trong việc công bố đánh giá xếp hạng tín dụng của Moody’s, góp phần xây dựng môi trường tài chính lành mạnh, minh bạch, giảm thiểu rủi ro tổn thất cho các nhà đầu tư…”.
(Bà Đoàn Mộng Điệp, Trưởng bộ phận Nguồn vốn, Home Credit Việt Nam)
“Moody’s xếp hạng tín nhiệm Home Credit giúp cho các nhà đầu tư có cơ sở tham khảo đáng tin cậy. Mặc dù mức xếp hạng tín nhiệm này khá an toàn nhưng chưa phải là một kết quả mong đợi của Home Credit, tuy nhiên Home Credit vẫn công bố chính thức, và là CTTC tiêu dùng đầu tiên công khai kết quả đánh giá từ một tổ chức xếp hạng độc lập, cho thấy chủ trương minh bạch thông tin của DN. Điều này giúp khách hàng có thêm cơ sở để lựa chọn dịch vụ tài chính tốt nhất dành cho mình, đồng thời góp phần mạnh mẽ để thúc đẩy sự bền vững của ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam…”.
(TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính)