Không bao lâu nữa Bộ luật Dân sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực với quy định “Lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Tuy nhiên, lãi suất cho vay thực tế của các tổ chức tín dụng, nhất là các khoản cho vay theo thẻ của khối Ngân hàng, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, hay cho vay vốn sản xuất của khối tài chính vi mô … lại đang ở mức trung bình 30-40%, thậm chí cao hơn phụ thuộc vào độ rủi ro của từng món vay.
Một số ý kiến băn khoăn về mức “lãi suất theo thoả thuận không được vượt quá 20%” có phù hợp với đời sống kinh tế - xã hội hay không? Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN).
PV: Là người có thâm niên công tác trong Ngành, theo bà mức trần lãi suất 20% như quy định tại Bộ Luật Dân sự có phù hợp với thực tế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Thị Hiền: Trần lãi suất là một biện pháp nhằm hạn chế cho vay nặng lãi, các hình thức cho vay với lãi suất cao gây tổn hại đến người đi vay. Do đó, tại nhiều quốc gia các quy định về trần lãi suất thường được đề cập trong Luật Chống cho vay nặng lãi hoặc Luật Bảo vệ người tiêu dùng và được áp dụng đến một nhóm đối tượng như đúng mục tiêu của quy định này. Nghĩa là, những cá nhân/tổ chức cho vay nặng lãi, các khoản vay có khả năng gây tổn hại, bất công bằng đối với người đi vay.
Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 đã đề cập tới việc thiết lập lãi suất trong quan hệ tín dụng là sự thỏa thuận giữa người đi vay và bên cho vay. Điều này đã khẳng định rõ hơn về chủ trương tự do hóa lãi suất của Việt Nam. Tuy chỉ đề cập mức trần lãi suất nhưng theo chúng tôi hiểu là để nhằm hướng đến các đối tượng trong quan hệ dân sự, chống nạn tín dụng đen. Còn đối với các tổ chức tín dụng, Bộ luật Dân sự 2015 đã để ngỏ và cho phép hoạt động theo luật chuyên ngành với quy định “Trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
PV: Thực tiễn cho thấy, hầu hết các nước hiện nay đều có xu hướng thực hiện tự do hóa lãi suất, việc áp trần lãi suất ở trên có đi ngược lại với xu hướng trên không thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Hiền: Sự phát triển của hệ thống tài chính thế giới đã cho thấy, khi thị trường tín dụng phát triển, lãi suất cho vay được hình thành trên cơ sở cung cầu thì mức lãi suất thị trường sẽ phải là mức lãi suất phù hợp với nhu cầu của khách hàng; đồng thời, đảm bảo bù đắp chi phí và phần lợi nhuận của tổ chức tín dụng, từ đó là nền tảng cho sự phát triển bền vững của tổ chức tín dụng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung.
Nhiều nước đang thực hiện tự do hoá lãi xuất |
Hầu hết các nước hiện nay đều có xu hướng thực hiện tự do hóa lãi suất. Cùng với đó, các thống kê, nghiên cứu cũng cho thấy việc áp dụng trần lãi suất không phù hợp có thể dẫn đến những tổn thất nhất định cho thị trường. Ví dụ như kinh nghiệm tại Nhật Bản khi áp dụng một mức trần lãi suất không đủ bù đắp chi phí hoạt động của các tổ chức tín dụng đã dẫn đến việc các tổ chức tín dụng rút lui khỏi thị trường.
Do vậy, ngoài việc thực hiện theo các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 trong quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng, thì các tổ chức tín dụng cũng cần phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Và để góp phần thực hiện chủ trương tự do hóa lãi suất mà Đảng và Nhà nước ta đã định, trong tương lai, sau khi Bộ luật dân sự chính thức có hiệu lực (01/01/2017), NHNN với vai trò là cơ quan chủ quan sẽ phải có những hướng dẫn cụ thể đối với vấn đề này.
PV: Xin cảm ơn bà!