Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua với 429 phiếu tán thành, chiếm 86,84% tổng số đại biểu Quốc hội và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017. Điều đáng chú ý trong Luật Dân sự 2015, trần lãi suất thỏa thuận đã được chốt “cứng” ở mức 20%.
Chỉ áp dụng với các giao dịch dân sự không chịu sự chi phối của luật khác
Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Như vậy, trong quy định trên đưa ra hai mệnh đề rất rõ ràng: Vế thứ nhất, yêu cầu trần lãi suất không được vượt quá 20%; Vế thứ hai là “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Có thể hiểu rằng: Đối với các hoạt động giao dịch dân sự, lãi suất sẽ không quá 20%/năm, trừ các trường hợp khác mà pháp luật quy định. Cụ thể là các tổ chức tín dụng - TCTD (bao gồm ngân hàng thương mại, CTTC và các tổ chức tài chính vi mô …) sẽ hoạt động theo luật chuyên ngành là Luật Các tổ chức tín dụng .
Theo Luật Các tổ chức tín dụng TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để đảm bảo an toàn của hệ thống TCTD, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế các định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của TCTD. Như vậy, Luật Các TCTD đã quy định rõ, lãi suất hợp lý là lãi suất theo thỏa thuận với khách hàng và thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Về nguyên tắc thì hiện nay Ngân hàng Nhà nước cho phép các TCTD thực hiện theo cơ chế cho vay thỏa thuận.
Ủng hộ quan điểm để TCTD hoạt động theo luật chuyên ngành, trước đây, trao đổi với báo chí khi Dự thảo Bộ Luật dân sự (sửa đổi) trình Quốc hội đưa ra hai phương án về lãi suất, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng từng phân định: Việc Bộ luật Dân sự 2015 bổ sung thêm điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” và gọi đó là “cái đuôi” của Điều 468 là để chỉ rõ rằng các TCTD được phép hoạt động theo luật chuyên ngành. “Tổ chức tín dụng với chức năng nhiệm vụ chính là huy động tiền gửi và cho vay. Với những dự án đã nhìn thấy lợi nhuận, tính khả thi cao thì có thể lãi suất cho vay rất thấp, nhưng với những dự án tiềm ẩn rủi ro thì lãi suất cần phải cao hơn, để bù đắp”, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu quan điểm.
Để giải thích rõ thêm liệu việc đặt các TCTD ra ngoài phạm gi điều chỉnh của Luật dân sự có khiến cho mức lãi suất khó kiểm soát, nguyên Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân tích: “Các tổ chức tín dụng đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và đương nhiên hệ thống ngân hàng thì đã có cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau. Do vậy, quy định về trần lãi suất nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 chủ yếu là chỉ để khống chế trong quan hệ giữa dân với dân, chứ không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng”.
“Hơn nữa, mục đích hướng đến của việc áp trần lãi suất 20% của Luật Dân sự 2015 chính là để kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen đang bùng phát bấy lâu nay trong xã hội”, ông Hà Hùng Cường thông tin thêm.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng phát biểu rằng: “Tôi ủng hộ hướng loại các TCTD ra khỏi quy định áp trần lãi suất cố định. Tín dụng đen sẽ bị khống chế ở Bộ luật Dân sự bằng quy định “cứng”, còn hoạt động của TCTD cần dựa trên nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận theo luật chuyên ngành”.
“Quy định trên là nhằm đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế, chống cho vay nặng lãi và tạo cơ chế, chế tài xử lý tín dụng đen đang lộng hành trên thị trường tín dụng và gây nhiều phiền nhiễu cho xã hội”, ông Ngô Văn Minh nói.
Công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo Luật nào?
Ngoài mức trần lãi suất “cứng” 20%/năm, một vấn đề nữa cũng thu hút sự quan tâm của dư luận, khi mà thời điểm có hiệu lực của Bộ Luật Dân sự 2015 đang tới gần, đó là hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC sẽ được áp dụng theo luật nào, Luật Các TCTD hay Luật Dân sự 2015?
Xung quanh vấn đề trên, hiện có 2 luồng ý kiến.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, các CTTC cũng là một loại hình TCTD nên sẽ chịu sự chi phối của Luật Các TCTD, chứ không chịu sự chi phối của Điều 468 Bộ Luật Dân sự sửa đổi về mức trần lãi suất 20%/năm.
Tại Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng quy định TCTD và khách hàng được quyền thỏa thuận về lãi suất. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này là hợp lý, bởi thực tế cho thấy, với các gói cho vay tiêu dùng, mức lãi suất 20%/năm là rất khó khăn. Lãi suất cho vay tiêu dùng thực tế thường lớn hơn và có biên độ dao động khá rộng từ 30% - 40%, thậm chí một số trường hợp có mức lãi suất cao hơn tùy thuộc vào mức độ năng lực hồ sơ rủi ro của khách hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng khách hàng của CTTC thường ít có năng lực tài chính hoặc tài sản đảm bảo, dẫn đến rủi ro thu hồi nguồn vốn rất cao. Tất nhiên mức lãi suất của hoạt động này đều được định trên nguyên tắc thỏa thuận giữa khách hàng và các CTTC.
Một trong những người theo luồng ý kiến này là ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Ông Minh cho rằng: Theo thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng và CTTC được áp dụng lãi suất thoả thuận.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam là rất lớn, do đó các CTTC, các ngân hàng thương mại đang có rất nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, họ đang gặp nhiều bất cập trong quá trình hoạt động bởi chưa có một khuôn khổ pháp lý riêng.
Do vậy, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Bộ luật Dân sự 2015 một cách cụ thể hơn, có như vậy mới giúp người dân hiểu được quy định nêu trong Bộ luật Dân sự 2015 chỉ áp dụng đối với các quan hệ giữa dân với dân; Còn các TCTD thì được phép thực hiện theo quy định của Luật Các TCTD. Cụ thể là được phép thỏa thuận mức lãi suất vay tiêu dùng, khuyến khích hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển, phục vụ cải thiện đời sống xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, xét về bản chất thì cả hai luồng ý kiến trên đều có chung nhận định, các CTTC hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng không phải chịu sự chi phối của Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015, vấn đề chỉ là khác nhau trong quan điểm về thủ tục và hành lang pháp lý.