Lắng nghe ý kiến để hoàn thiện cơ chế
Trước đó, vào đầu tháng 2/2017, ông Thăng đã có chuyến thăm và học hỏi mô hình nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp ở Bình Dương. Sau chuyến thăm, phát biểu đầu tiên tại hội thảo, ông Thăng nói: “Chúng ta trước tiên phải học quyết tâm chính trị rất cao của Tỉnh ủy, UBND cũng như các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương”.
Ông Thăng cho biết, học cách làm, cách sáng tạo của Bình Dương nhưng phải áp dụng một cách phù hợp với thực tế của TP HCM. “Cái gì hay chúng ta học, cái gì chưa được chúng ta rút kinh nghiệm. TP HCM là thành phố năng động, sáng tạo, chúng ta sẵn sàng đổi mới, chấp nhận rủi ro để đổi mới”.
Ông Thăng cho biết TP rất cầu thị, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để tiếp thu, hoàn thiện cơ chế thực hiện những mục tiêu đề ra. Ông Thăng nêu, muốn có được sản phẩm nhà ở giá hợp lý thì các doanh nghiệp phải nằm trong chuỗi cung cấp nguyên liệu đầu vào. Theo đó, ông Thăng cho biết đã làm việc với Tổng Công ty Xi măng và đơn vị này sẽ đồng ý giảm 300 nghìn/1 tấn xi măng để làm nhà ở xã hội. “Các doanh nghiệp sắt, thép, thiết bị vệ sinh... sẽ giảm bao nhiêu phần trăm nữa? Từ đó sẽ tính ra được giá nhà hợp lý để làm. Nếu tất cả doanh nghiệp cùng chung tay giảm giá các nguyên liệu đầu vào thì việc giảm giá nhà không quá khó”, ông Thăng nói.
Quan trọng hơn, nhà ở xã hội ở TP HCM phải được hưởng hạ tầng của nhà ở thương mại vì trong mỗi dự án bất động sản có 20% là nhà ở xã hội. Và nhà ở xã hội vẫn đảm bảo các dịch vụ đời sống, trường học, y tế, chợ...
Doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở giá hợp lý phải có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân xây dựng các dịch vụ nhà ở cho thuê, nhà trọ nhưng có tiêu chuẩn về chất lượng chứ không phải các nhà trọ ổ chuột. “Nhà ở xã hội của chúng ta nằm trong thành phố văn minh hiện đại chứ không phải những khu ổ chuột mới”, ông Thăng nói.
Ông Thăng còn nêu ra việc có thể tổ chức thi thiết kế nhà mẫu cho phù hợp với TP HCM, sau đó áp dụng thiết kế mẫu để giảm chi phí và tính được chi phí thực tế.
Rút ngắn thời gian cấp phép
Về phía các doanh nghiệp, sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo TP HCM cũng đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chính thủ tục đầu tư quá nhiêu khê đã “bóp nghẹt” cơ hội đầu tư của họ. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, để có được một giấy phép đầu tư một dự án nhà ở xã hội nhà đầu tư phải mất ít nhất từ 2 hoặc thậm chí dài đến 7 năm.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân cho biết, nhiều dự án nhà ở cao cấp được cơ quan chức năng phê duyệt dự án cực nhanh, nhưng với một dự án 36,5ha của ông đã nhiều năm qua vẫn còn loay hoay ở khâu lấy ý kiến sở, ngành về quy hoạch, đền bù giải toả...
Sau khi nghe doanh nghiệp trình bày, ông Thăng lập tức đề nghị ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP HCM nên giao riêng “một cửa” cho đơn vị cấp, tiếp nhận hồ sơ và xử lý với các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, đặt mục tiêu thời gian hoàn tất thủ tục ban đầu khi xây dựng nhà ở xã hội là 6 tháng.
Ông Khoa cho biết sẽ giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối tiếp nhận và cấp phép dự án nhà ở xã hội và khẳng định sắp tới sẽ không còn cảnh các doanh nghiệp cầm hồ sơ “chạy” đi khắp nơi nữa.
Ông Lê Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành thì cho rằng không thể nào xây dựng được căn hộ giá 100 triệu đồng tại TP HCM. Vì chỉ tính giá xây dựng, chưa kể chi phí đất, hạ tầng đã là 5 triệu đồng/mét vuông thì mỗi căn 25m2 đã có giá 125 triệu đồng. Hơn nữa, nhiều khu vực tại TP HCM có nền đất rất yếu, phải làm nền móng sâu, như vậy nhà giá rẻ nhất cũng phải từ 150-180 triệu đồng/căn. Ông Nghĩa kiến nghị có thể làm nhà giá hợp lý ở mức cao hơn. Cũng theo ông Nghĩa, nhu cầu thuê nhà của người dân thu nhập thấp là rất lớn và đơn vị ông đang đầu tư và kinh doanh dạng nhà cho thuê dài hạn và ngắn hạn. Theo ông Nghĩa, người thuê 49 năm nhưng ở được 20 năm, khi có điều kiện kinh tế khá giả, có thể bán cho người khác vào ở và nhận lại được số tiền đóng trước đó.
Đồng ý với ý tưởng mà Công ty TNHH Lê Thành đang thực hiện, ông Thăng gợi ý Sở Xây dựng nên thiết kế các khu trọ bảo đảm các tiêu chí tiện ích, đời sống.
Ông Nguyễn Văn Đực, Tổng Giám đốc Công ty Đất Lành đề xuất nhà ở giá 200-300 triệu đồng ở vùng ven. Ông kiến nghị thành phố nên hỗ trợ quy hoạch, giảm lãi vay ngân hàng. Một căn hộ 20m2 và dự phòng 10m2 cho người dân tự làm vật liệu nhẹ là hợp lý. Nếu chính quyền đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật thì giá bán có thể kéo xuống 5 triệu đồng/m2, với diện tích 20-30m2 thì giá khoảng 100-150 triệu đồng như Bình Dương đã làm.
Ông Vũ Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, đơn vị chuyên nhà ở xã hội cho biết, tỷ suất đầu tư ở TP HCM rất khó kéo xuống dưới 12 triệu đồng/m2. Nam Long đã nghiên cứu rất nhiều mô hình ở các nước. Ví dụ như hàng triệu căn hộ 30m2 ở Thái Lan. “Chương trình nhà ở giá rẻ tại Việt Nam là chủ trương đúng, nhưng còn thiếu rất nhiều tính thực tế”, ông Quang nói.
Vì đơn cử như quy định dự án lớn dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhưng phân bổ như thế nào, giá giao đất ra sao chưa quy định. Quy chuẩn xây dựng nhà ở xã hội cũng chưa rõ ràng, cụ thể. Tương tự, khung giá cũng chưa quy định, mới chỉ là giá tạm tính. Theo ông Quang, cần sớm luật hóa việc phát triển nhà ở giá rẻ thì doanh nghiệp mới có khung pháp lý để thực hiện.