Báo cáo tại Hội nghị về công tác quản lý nhà chung cư (diễn ra ngày 14/3), Sở Xây dựng TP HCM cho biết, hiện toàn địa bàn có 1.367 nhà chung cư với hơn 141.000 căn hộ, tăng gấp 2 lần so với năm 2009. Tỉ lệ căn hộ chung cư hiện chiếm trên dưới 10% tổng số nhà ở trên địa bàn TP và đang có xu thế tăng mạnh.
Trong số đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư có biểu hiện gia tăng. Toàn TP có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt.
Theo nhận định của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, những tranh chấp xảy ra tại các nhà ở chung cư thường xoay quanh những nguyên nhân phổ biến như: Tranh chấp về quỹ bảo trì nhà chung cư, giá phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu Ban quản trị (BQT).
Ngoài ra là tranh chấp về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị; tranh chấp giữa chủ đầu tư (CĐT) và BQT nhà chung cư về việc đóng kinh phí vận hành; về phần sở hữu chung như nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng…
Phải kiên quyết xử lý vi phạm
Để tránh tình trạng tranh chấp nhà chung cư, Sở Xây dựng TP cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo qui định.
Sở Xây dựng đề xuất điều chỉnh qui định của pháp luật về nội dung cưỡng chế CĐT bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho BQT theo hướng các bên khởi kiện ra tòa. Về lâu dài, kiến nghị bỏ cơ chế giao cho CĐT kinh phí bảo trì 2% như hiện nay để tiến tới giao cho BQT tự quản lý, sử dụng theo như quyết định của hội nghị nhà chung cư.
Cùng với đó, Sở Xây dựng TP cho hay cần phải xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn xác định diện tích để xe đạp, xe cho người tàn tật, xe có động cơ… để tránh tình trạng phát sinh tranh chấp.
Cũng theo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm thống kê, rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất cho các chủ sở hữu nhà chung cư. Trường hợp chưa đủ điều kiện thì phải báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét, giải quyết. Công an TP HCM cần công khai trên cổng thông tin điện tử danh mục các chung cư không đảm bảo về cháy nổ, không mua bảo hiểm bắt buộc người dân xem xét, lựa chọn nơi an cư…
Xem trọng quyền lợi của cư dân, uy tín của doanh nghiệp
Về phía mình, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất xây dựng Luật Chung cư để đáp ứng yêu cầu phát triển chung cư trong những năm tiếp theo. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần có quy định chặt chẽ trách nhiệm của CĐT phải bàn giao nhà, làm giấy tờ nhà đất cho người mua nhà đúng cam kết theo hợp đồng.
Có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp và không được người mua nhà đồng ý.
Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong đó có các căn hộ chung cư, ông Nguyễn Văn Điềm, Tổng Giám đốc Công ty Đô thị mới Thủ Thiêm nhận thấy, các CĐT cần tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu BQT đúng thời hạn quy định, minh bạch và bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì cho BQT của cư dân.
Cần xem trọng quyền lợi của cư dân, uy tín của chính mình. Cùng với đó, đại diện Công ty Địa ốc Hưng Thịnh đề xuất cơ quan công quyền nên xây dựng cơ chế làm việc sao như là “cánh tay nối dài” đến các chủ thể trong chung cư. “Có như thế mới can thiệp, kịp thời xử lý những vi phạm trong việc sử dụng các tiện ích, các phần sở hữu chung…” - đại diện Công ty Địa ốc Hưng Thịnh khẳng định.
Ngoài ra, trong việc xây dựng hoạt động văn hóa cộng đồng cư dân, phải cần có một cơ quan biên soạn một tài liệu chung và tuyên truyền những điều này đến với các cư dân để tránh xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn ở chung cư.
Riêng với các BQT, cần chọn được đơn vị vận hành quản lý có năng lực. Cư dân cũng cần tìm hiểu kỹ để bầu ra được BQT là những người tâm huyết, hiểu biết để giúp cư dân quản lý được nguồn kinh phí bảo trì, chi tiêu phù hợp nhằm mang lại cho cư dân cuộc sống tốt nhất.
Đối với các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm tình trạng CĐT đưa dân vào ở khi chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình, không đảm bảo an toàn… để hạn chế tranh chấp kéo dài khiến mất an ninh trật tự.