Dấu mốc lịch sử, mang tầm chiến lược
Sáng 5/5, trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới (Nghị quyết TƯ 6).
Tán thành sự cần thiết phải tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết TƯ 6, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội (QH) khóa XV Đoàn TP Hải Phòng nhấn mạnh, đất đai là vấn đề đại sự quốc gia, rất hệ trọng. Theo nghĩa hẹp, nó là nền tảng cho phát triển, là tư liệu sản xuất. Hiểu theo nghĩa rộng, đất và nước (biển) cấu thành cụm từ “Đất Nước” - chính là Tổ quốc. “Do đó, đất đai luôn thiêng liêng nhưng cũng rất nhạy cảm, gắn với lợi ích quốc gia và người dân. Đụng vào đất đai thì giàu và cũng vì đất mà nghèo, mà vào vòng lao lý. Cho nên, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai sẽ phát huy được cơ hội nhiều hơn, ngược lại sẽ đối mặt với thách thức nhiều hơn”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nói.
Vì lẽ đó mà Trung ương Đảng rất quan tâm đến vấn đề đất đai và đã ban hành các chính sách khác nhau, phù hợp với từng thời kỳ phát triển, với những quan điểm, định hướng cụ thể.
Trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới theo tinh thần và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhận định, việc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII thảo luận về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 6 “một dấu mốc lịch sử và mang tầm chiến lược, một quyết định kịp thời, hợp lòng dân”. Ông chỉ ra rằng, thực tế quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần phải giải quyết căn cơ, dài hạn, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu thời kỳ phát triển mới, cũng như quyền và lợi ích của người dân. Luật Đất đai đã được sửa đổi vài lần và đã phát huy tác dụng trong thực tế, nhưng chắc chắn vẫn phải tiếp tục sửa đổi. Do đó, Chính phủ đã trình và QH đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi. |
“Trải qua 4 lần dự thảo và dự kiến trình ra QH thông qua nhưng do tính chất phức tạp và tầm quan trọng của vấn đề đất đai mà các cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung. Tôi hy vọng rằng, kết quả thảo luận về 10 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng về đất đai và những quyết sách về đất đai của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII sẽ là cơ hội tốt để Chính phủ cụ thể hóa, hiện thực hóa chủ trương của Đảng về đất đai vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình QH cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra vào tháng 10 tới”, PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nói.
Đảm bảo phân phối công bằng giá trị tăng thêm từ đất
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu đề xuất các chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai; chú ý các vấn đề hiện đang vướng mắc hoặc gây bức xúc trong xã hội và những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Tổng Bí thư chỉ rõ một số vấn đề cụ thể, như chủ trương, chính sách về đất đai, nhất là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; về hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất... cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện như thế nào cho đúng, sát hợp với thực tế và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.
Trao đổi cụ thể về cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, TS. Nguyễn Đắc Nhẫn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) khẳng định, thể chế và thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những đổi mới mang tính đột phá về cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế luôn có sự vận động phát triển nên cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai kiến nghị cần rà soát và hoàn thiện cơ chế thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách thu hồi đất vùng phụ cận các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn. Cùng với đó, nghiên cứu bổ sung quy định thu hồi đất đối với phần diện tích đất chủ đầu tư và người sử dụng đất không thỏa thuận được việc nhận chuyển nhượng bằng quyền sử dụng đất…
Nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020, TS. Nguyễn Đắc Nhẫn đề nghị cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng: bổ sung quy định các trường hợp thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất, gồm sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh nhưng có từ 2 nhà đầu tư trở lên có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án…
Ngoài ra, cũng cần bổ sung quy định về điều kiện thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất, bao gồm: phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; xác định rõ mục đích sử dụng đất, cơ cấu sử dụng đất, hệ số sử dụng đất trong dự án; nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải có đủ các điều kiện theo quy định. Bổ sung quy định về thành phần gói thầu đối với dự án có sử dụng đất đưa ra đấu thầu, gồm: giá đất đối với diện tích đất sẽ giao cho người trúng thầu để thực hiện dự án; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; yêu cầu kỹ thuật và giá đối với công trình xây dựng trên đất dự án.
Về bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách để đảm bảo tính dân chủ, công khai, khách quan, công bằng trong tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cụ thể, cần bổ sung, hoàn thiện quy định trong pháp luật đất đai về chia sẻ giá trị tăng thêm từ đất không phải do nhà đầu tư mang lại cho người có đất thu hồi, đảm bảo phân phối công bằng giá trị tăng thêm từ đất giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tái định cư tại chỗ khi xây dựng mới hoặc chỉnh trang, cải tạo khu đô thị, khu dân cư nông thôn.
Cử tri kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến đất đai
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XV của các Đoàn đại biểu QH các địa phương diễn ra ngày 6/5, cử tri đã nêu một số kiến nghị liên quan đến vấn đề đất đai, chính sách người có công.
Tại tỉnh Quảng Bình, Đoàn đại biểu QH tỉnh gồm Phó Trưởng đoàn Nguyễn Minh Tâm; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Mạnh Cường đã tiếp xúc với cử tri huyện Lệ Thủy. Cử tri bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng vào những nội dung mà QH dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới đây; đồng thời nêu một số kiến nghị, tập trung các nội dung như tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý tài sản trên đất sau khi hết thời hạn thuê đất sản xuất; việc sử dụng đất chưa hợp lý của một số đơn vị; những bất cập trong quy định tách hộ và vấn đề đất ở, chuyển nhượng, tranh chấp đất ở của người dân…
Còn tại Đồng Nai, Tổ đại biểu số 2, Đoàn đại biểu QH tỉnh gồm Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu QH tỉnh Bùi Xuân Thống; Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh; ông Lê Hoàng Hải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Vĩnh Cửu. Sau khi nghe đại diện Đoàn đại biểu QH tỉnh thông báo những nội dung chính dự kiến sẽ diễn ra tại Kỳ họp thứ 3, QH khóa XV sắp tới, nhiều cử tri đã phản ảnh về các vấn đề liên quan đến thủ tục giải quyết, cấp, đổi giấy tờ đất đai tại địa phương; những bất cập trong việc thực hiện của các quy định của pháp luật về quy hoạch… Đối với những dự án, khu đất đã có quy hoạch nhưng không thực hiện, cử tri kiến nghị cần phải thu hồi, đồng thời giải quyết thủ tục cấp sổ để dân có đất canh tác, làm ăn; tránh tình trạng “quy hoạch xong rồi để đó”.
Thay mặt Đoàn tiếp thu ý kiến của cử tri, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống đề nghị chính quyền địa phương; các sở, ngành quan tâm giải quyết những vấn đề cử tri phản ảnh thuộc thẩm quyền của các ngành và địa phương; đồng thời kiến nghị lên cấp có thẩm quyền giải quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, đối với quy hoạch đất đai, các dự án tại địa phương, theo thẩm quyền, chính quyền cần phải công khai để người dân biết, nắm bắt chủ trương, chính sách để chấp hành theo quy định, tránh tình trạng dân không biết nên phản ảnh tới nhiều nơi.
Cùng ngày, các đại biểu QH thuộc Đoàn đại biểu QH tỉnh Nghệ An, Quảng Bình đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Minh Hóa.