Kỳ 1: Quản lý Nhà nước không thể... ngẫu hứng!
Đáng ngạc nhiên bởi một doanh nghiệp, đối tượng xưa nay vẫn thường né tránh những va chạm không cần thiết với cơ quan công quyền, nay đã lên tiếng tự bảo vệ mình sau nhiều năm chật vật trong vòng xoáy pháp lý, dường như đang lâm vào tình trạng “con giun xéo lắm cũng phải quằn”.
Điều ngạc nhiên nữa khi vụ việc này từ mấy năm nay, trên công luận cũng như nhận thức của nhiều người, Tòa nhà 8B Lê Trực bị mang danh là “tượng đài” của căn bệnh nhờn phép nước trong lĩnh vực quản lý xây dựng, nay bỗng nhiên kêu mình bị oan.
Mà ai cũng biết rằng, vụ việc này đã được nhiều Lãnh đạo cao cấp của bộ máy Nhà nước đã và đang quan tâm, yêu cầu phải xử lý nghiêm và triệt để những sai phạm...
Thế nhưng giờ đây, chủ đầu tư đã chính thức phát thông điệp kêu oan, vậy hẳn đang có những điều cần phải làm sáng tỏ.
Đã nói đến pháp lý, gì thì gì, cứ phải giấy trắng, mực đen, dấu đỏ.
Công trình 8B Lê Trực. Ảnh: Trần Kháng.
Điểm tựa pháp lý khá vững chắc của May Lê Trực là Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội do Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ký, “về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy - Kim Mã - Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương) tỷ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu L30, địa điểm số 8B phố Lê Trực, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội”. Theo đó, chiều cao công trình là 69,1m; 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái).
Theo luật định, đây là văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ: “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.
Có nghĩa là, mọi quy định của Quyết định số 2452 sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản khác bãi bỏ theo luật định. Tại Điều 12 Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền. Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.
Văn bản bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định”.
Và trong cuộc “kêu oan” này, Công ty May Lê Trực khẳng định, Quyết định số 2452 là “Quy hoạch duy nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cho đến nay vẫn đang có hiệu lực thi hành”. Ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty, còn cho biết, theo quy định tại một số văn bản do Chính phủ, UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội thì dự án 8B Lê Trực thuộc diện được xây dựng theo Quy hoạch chi tiết 1/500 đã phê duyệt mà không cần xin Giấy phép xây dựng.
Trong thực tế, một khi môi trường pháp lý của nước nhà đang dần hoàn thiện, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật vẫn thường xảy ra, kể cả sửa đổi luật. Thế nhưng, trường hợp cụ thể như việc quy hoạch ở Tòa nhà số 8 Lê Trực, “bỗng nhiên” vào tháng 3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành một Giấy phép xây dựng, mà trong đó quy định (trong văn bản này không thể hiện bất cứ một căn cứ nào) rằng, Tòa nhà 8B Lê Trực phải điều chỉnh công trình này xuống 18 tầng, chiều cao công trình 53m (!?).
Tình tiết “lạ” đã xuất hiện, đó là một văn bản quy phạm pháp luật cấp cao đã bị một văn bản hành chính cấp thấp che lấp, phủ nhận sự tồn tại của nó.
Thiết nghĩ, đây chính là mấu chốt quan trọng nhất, là một mối khuất tất cần được làm sáng tỏ.
Kỳ sau: Những hậu quả khó lường trước